Sau Vietnam Airlines, Bamboo Airways tiếp tục điều chỉnh tăng vốn
Mới đây, CTCP Hàng không Tre Việt tiếp tục điều chỉnh đăng ký về vốn điều lệ từ 16.000 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng. Đây là lần điều chỉnh tăng vốn thứ tư của Bamboo Airways kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vốn điều lệ đăng ký không phản ánh lượng vốn thực góp của các cổ đông vào Bamboo Airways.
Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính, vốn góp chủ sở hữu tại thời điểm 30/12/2020 của Bamboo Airways ở mức 303 triệu USD. Các cổ đông lớn bao gồm ông Trịnh Văn Quyết, FLC Group, FLC Holding Capital, FLC Faros. Các cổ đông có liên quan này nắm hơn 94% cổ phần công ty, tương ứng với số vốn chủ sở hữu thực góp nói trên.
Tại thời điểm 30/6/2021, FLC trực tiếp nắm giữ 25,88% cổ phần của Bamboo Airways.
Hồi đầu năm, ông Trịnh Văn Quyết tiết lộ với Reuters về kế hoạch huy động 200 triệu USD từ IPO tại thị trường Mỹ, tương ứng mức định giá 4 tỷ USD. Thời gian thực hiện được cho biết là trong quý 3, tuy nhiên kế hoạch này đã không trở thành hiện thực.
Trước Bamboo Airways, anh cả của ngành hàng không - Vietnam Airlines mới đây đã phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu lên mức 22.182 tỷ đồng, tạm thời xoá bỏ việc âm vốn chủ. Tuy nhiên trạng thái này là không chắc chắn khi hãng hàng không quốc gia có khả năng tiếp tục lỗ nặng khi các đường bay không được hồi phục kịp thời.
Vietjet Air hiện cũng được cổ đông thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ tăng 15% vốn và phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trong giai đoạn 2021 – 2022.
Từ ngày 10/10, ngành hàng không khai thác trở lại 19 đường bay chở khách với 38 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Ngay khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành kế hoạch bay, các hãng hàng không đã lên phương án vận chuyển và bắt đầu mở bán vé đến hết ngày 20/10.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong ngày 10/10, các hãng được cấp phép là 20 chuyến, tuy nhiên số chuyến thực hiện chưa được 1/3.
Lý do xuất phát từ “hàng rào kỹ thuật” do địa phương lập nên, hoặc địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể về cách ly.
Trong ngày 10/10, Vietnam Airlines được cấp phép khai thác 9 chuyến khứ hồi nhưng chỉ khai thác được 3 chuyến TP.HCM - Khánh Hòa (chiều đi 27 khách, chiều về 20 khách); TP.HCM - Bình Định (chiều đi 55 khách, chiều về 20 khách) và TP.HCM - Chu Lai (chiều đi 33 khách, chiều về 5 khách).
Riêng chặng TP.HCM - Hà Nội chỉ khai thác 1 chiều Hà Nội - TP.HCM với 160 khách. Chiều ngược lại chưa thể cất cánh theo kế hoạch do chưa có hướng dẫn cách ly cụ thể của Hà Nội.
Trong khi đó, 2 chuyến bay TP.HCM - Thanh Hóa/Nghệ An bị chậm sang ngày hôm sau do bão.
Tương tự, Vietjet được cấp phép 6 chuyến từ TP.HCM đi Đà Nẵng/Phú Yên/Hải Phòng/Gia Lai; Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - Cần Thơ. Tuy nhiên, hãng chỉ khai thác 1 chuyến từ TP.HCM - Đà Nẵng (chiều đi 53 khách, chiều về 14 khách).
Với Bamboo Airways, trong 5 chuyến bay được cấp (gồm TP.HCM đi Huế/Quảng Bình/Phú Quốc; Đà Nẵng - Đắk Lắk; Hà Nội - Điện Biên), hãng chỉ khai thác 1 chuyến từ TP.HCM - Phú Quốc (chiều đi 30 khách, chiều về 37 khách).
Các chuyến TP.HCM đi Huế/Quảng Bình hủy vì hành khách bỏ chỗ do 2 địa phương này yêu cầu khách phải cách ly 7 ngày tập trung và mất phí.