Sắp diễn ra tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Tiềm năng và Giải pháp”
Ngày 30/8 tới đây, tọa đàm “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Tiềm năng và Giải pháp” sẽ được tổ chức với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, môi trường...
Nhiều năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được xem mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề then chốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nỗi lo thường trực mọi quốc gia.
Trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức ở Ai Cập, "An ninh lương thực" cũng là một chủ đề đáng chú ý. Không ít lãnh đạo các nước khẳng định, thế giới đang đứng trước thách thức mất an ninh lương thực khẩn cấp ở mức độ chưa từng có.
Ở trong nước, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Quyết định số 3416 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó, nông nghiệp tại Thanh Hóa sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nông lâm thủy sản từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Bên cạnh dó, Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 16/10/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra vấn đề xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh đến năm 2030.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường có Văn phòng đại diện thường xuyên đưa tin, cập nhật thông tin về hoạt động kinh tế, xã hội ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa. Được sự đồng ý của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Thực trạng và Giải pháp”.
Tọa đàm được tổ chức với mục đích cung cấp cái nhìn toàn cảnh về ngành nông nghiệp tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng; Các chính sách và vấn đề thực hiện chính sách để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững trong những năm qua; Phản ánh những ý kiến của doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra kiến nghị, giải pháp để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp. Tất cả điều này gió phần thúc đẩy Việt Nam trở thành một nước có nền nông nghiệp bền vững, hướng đến đảm bảo an ninh lương thực.
Thời gian diễn ra tọa đàm vào sáng ngày 30/8, tại TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chương trình tọa đàm gồm 2 phiên:
Phiên 1: Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững: Thực trạng và giải pháp.
-Phiên 2: Trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan chức năng, nhà khoa học và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Tọa đàm với sự góp mặt của các chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp, môi trường; Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đại diện UBND thành phố Sầm Sơn, đại diện UBND các huyện, đại diện Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trung ương và địa phương.
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm:
-PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường;
-PGS.TS Lưu Đức Hải -Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam;
-PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường;
-GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam;
-GS.TS Lê Huy Hàm – Chủ Nhiệm chương trình công nghệ sinh học quốc gia 2021-2030.
-TS.Bùi Thị Thanh Hương, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chương trình nhặt rác thải nhựa, làm sạch bãi biển tại Sầm Sơn
Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ban tổ chức sẽ trưng bày một số gian hàng mẫu về sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, sau buổi tọa đàm, Ban tổ chức phối hợp cùng Tỉnh đoàn Thanh Hóa phát động chương trình nhặt rác thải nhựa tại biển Sầm Sơn.
Xuân Hòa