Sáng chế hữu ích: Cận cảnh máy sấy tiêu của anh nông dân Trần Quang Sơn
Chiếc máy sấy tiêu của anh nông dân Trần Quang Sơn ngày càng được phổ biến và giúp bà con nông dân nâng cao giá trị hồ tiêu.
Người dân ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã không còn quá xa lạ với chiếc máy sấy hồ tiêu sạch của anh nông dân Trần Quang Sơn. Với niềm đam mê sáng chếcủa mình, anh Sơn đã nghiên cứu và sáng chế thành công máy sấy hồ tiêu sạch bằng tia hồng ngoại. Chiếc máy này đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu sạch đang được trồng tại địa phương.
Được biết, anh bắt tay vào nghiên cứu máy sấy hồ tiêu hữu cơ từ đầu năm 2012. Với hy vọng bảo quản tốt hơn nhưng vẫn giữ được màu sắc, hương vị của hạt hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế, anh luôn tìm tòi khám phá cách làm. Nhưng muốn làm được máy sấy hồ tiêu sạch thì bắt buộc phải có nguồn nguyên liệu sạch.
Do đó, anh đã mạnh dạn đưa hơn 1.500 trụ hồ tiêu của gia đình vào sản xuất theo hướng hữu cơ. Vừa chăm sóc vườn hồ tiêu, anh vừa tự mày mò tìm hiểu quy trình hoạt động của chiếc máy sấy hồ tiêu sạch. Qua hơn 6 năm ròng rã với cả trăm lần thử nghiệm, cuối cùng anh cũng thu được “quả ngọt”. Đầu tháng 4/2018, chiếc máy sấy hồ tiêu bằng tia hồng ngoại lần đầu tiên xuất hiện tại Hội thảo liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững do Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) tổ chức đã khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi.
Được biết, kết cấu máy sấy tiêu sạch không quá phức tạp: bên ngoài chiếc máy được thiết kế bằng những tấm sắt chống gỉ cùng bộ cảm biến nhiệt độ, bên trong có 8 ngăn chứa các khay dùng để đựng hạt hồ tiêu và hơn 10 bóng đèn được chiếu sáng bằng tia hồng ngoại. Đối với hồ tiêu bán hữu cơ, máy có thể sấy được tối đa 20 kg hồ tiêu/lần trong thời gian 8-10 tiếng đồng hồ. Còn đối với hồ tiêu hữu cơ, máy chỉ “dung nạp” khoảng 3 kg/lần, trong khi thời gian sấy sẽ kéo dài đến 14 tiếng. Qua công nghệ sấy này, hạt hồ tiêu vẫn giữ màu sắc ban đầu nên khá bắt mắt, giá cũng cao gấp 5 lần sản phẩm hồ tiêu khô ngoài thị trường.
Ưu điểm của sản phẩm này là vừa tiết kiệm tiền đầu tư cho người nông dân lại dễ sử dụng, giữ nguyên mùi vị, màu sắc, tinh dầu trong từng hạt tiêu góp phần nâng cao chất lượng, đưa tiêu sạch ra thị trường trong và ngoài nước.
Nhận thấy thành công từ vườn tiêu hữu cơ của gia đình anh Sơn cùng chiếc máy sấy bằng tia hồng ngoại tiện dụng, nông dân xã Nam Yang cũng đã chuyển đổi sang trồng tiêu theo hướng hữu cơ.
Hướng sản xuất mới cho thu nhập cao, đầu ra và giá cả thị trường luôn ổn định. Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 5, nông dân địa phương đã liên kết với nhau thành lập “Tổ liên kết sản xuất kinh doanh hồ tiêu sạch, bền vững xã Nam Yang.”
Tổ liên kết hơn 50 hộ nông dân trồng hồ tiêu sạch theo hướng hữu cơ, tưới nhỏ giọt, tưới phun béc, bón phân vi sinh hữu cơ… họ tự tìm hướng đi cho mình và bước đầu cơ bản thành công vì giá tiêu sạch bán ra thị trường có giá từ 200-500.000 đồng/kg, so với giá tiêu thường bán ra thị trường có giá từ 50-70.000 đồng/kg.
Với việc thành lập tổ liên kết kinh doanh, cộng với việc nghiên cứu, sáng chế thành công chiếc máy sấy tiêu bằng tia hồng ngoại của anh Trần Quang Sơn, chắc chắn sản phẩm tiêu sạch của Gia Lai sẽ giải quyết được bài toán ổn định đầu ra cho bà con nông dân địa phương.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo