Sẵn sàng đón khoảng 17 triệu học sinh trở lại trường sau Tết
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến ngày 14/2.
Sẵn sàng đón học sinh quay lại trường
Tại Hà Nội, ngày 7/2, học sinh lớp 12 một số trường trung học phổ thông (THPT) đã đến trường trở lại. Trước đó, ngày 5/2 UBND TP Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc về việc cho học sinh các khối 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã trở lại trường học.
Theo đó, trừ những khu vực có cấp độ dịch 3 hoặc 4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện, thị ngoại thành (Đan Phượng, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Thanh Trì, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Sơn Tây, Thường Tín) sẽ học trực tiếp từ 10/2 (thứ năm) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Học sinh lớp 1 đến 6 ở 12 quận nội thành tiếp tục học trực tuyến, trẻ mầm non nghỉ học tại nhà.
Cùng ngày 7/2, hơn 226.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trở lại trường học sau 2 tuần nghỉ Tết Nhâm Dần 2022. Trong khi đó, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đồng loạt đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại TP.HCM, học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường học trực tiếp từ sáng 7/2. Đồng thời, các trường tiếp tục lên kế hoạch chuẩn bị đón học sinh mầm non và các khối còn lại. Dự kiến đến ngày 14/2, khoảng 1,7 triệu học sinh tất cả các cấp trở lại trường học tập bình thường.
Tại Kiên Giang, từ ngày 7/2, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh khối 7 đến khối 12 (hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên) được đến trường học trực tiếp tại các địa phương có dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 trên địa bàn tỉnh. Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị nhiều kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 có thể xảy ra khi học sinh đến trường.
Cũng bắt đầu từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại địa phương có cấp độ 1 và cấp độ 2 ở Bình Phước đến trường trong khi địa bàn cấp độ 3, nhà trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp từ ngày 14/2. Với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh từ lớp 1-6 ở địa phương cấp độ 1, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 14/2.
Tại Bình Thuận, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học tập trung từ ngày 7/2. Một tuần sau, trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 trở lại trường. Trong khi đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã thống nhất từ 7/2, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 học trực tiếp, cấp tiểu học tiếp tục học trực tuyến. Đến ngày 14/2, cấp tiểu học chuyển sang học trực tiếp. Với bậc mầm non, các cơ sở giáo dục tham khảo ý kiến phụ huynh thống nhất sẽ tổ chức đón, nhận trẻ đi học.
Chuẩn bị mọi điều kiện để đảm bảo an toàn
Để bảo đảm an toàn cho học sinh các khối khi đi học trở lại, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về “Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Chia sẻ về việc cho học sinh quay trở lại trường, một phụ huynh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, các em học sinh từ lớp 7 trở lên quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết là hoàn toàn phù hợp vì các lý do sau như hiện tại dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, tiêm phòng toàn dân và đặc biệt các học sinh độ tuổi từ 12-18 tuổi đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ; thời gian học online quá kéo dài kéo theo nhiều hệ lụy, các em không được trực tiếp kiểm tra, không được uốn nắn kịp thời dẫn đến lười học, rỗng kiến thức; học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thị giác, sức khỏe tinh thần của các em (lứa tuổi đang phát triển về thể chất và tâm lý). Việc các em hạn chế giao lưu với bạn bè và thầy cô là điều rất đáng lo ngại.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Lê Hữu Nghị - Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, những trường hợp từ 12 - 17 tuổi nếu đã được tiêm vaccine ít nhất 2 mũi có thể cho đi học nhưng phải thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, đúng cách. Những cháu từ 5 - 12 tuổi chưa được tiêm vaccine thì cần thận trọng. Tốt nhất chờ tiêm ít nhất 1 mũi vaccine thì mới nên cho các cháu đi học tập trung, đặc biệt tại Hà Nội, nơi có số ca mắc đang cao nhất cả nước.
Ngoài ra, bác sĩ Lê Hữu Nghị khuyến cáo: “Khi đi học tập trung, trực tiếp nên chia lớp học để đảm bảo an toàn. Tốt nhất chỉ nên học 1 buổi, bảo đảm khoảng cách giữa các học sinh. Thậm chí nên nghĩ đến phương án cho các học sinh béo phì, có bệnh nền (tim mạch, tiểu đường…) học online ở nhà vì đối tượng học sinh béo phì khả năng miễn dịch kém, dễ bị mắc bệnh nền (tiểu đường, huyết áp…) và nguy cơ bị mắc COVID-19 cao hơn các nhóm khác! Bên cạnh đó gia đình và nhà trường cần hỗ trợ tâm lý cho các em sau một thời gian dài không học trực tiếp và hướng dẫn các em đối phó với những rủi ro, nguy cơ về dịch bệnh có thể xảy đến”.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng cho biết, theo quy trình xử lý được quy định tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD&ĐT, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp học sinh là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ, báo cáo ban giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần. Theo hướng dẫn, chỉ có trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà, còn lại các học sinh khác vẫn học tập bình thường.
Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này, TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, việc cho học sinh quay trở lại lớp là điều cần thiết. Trước hết, cha mẹ cần trang bị cho con đủ thông tin về dịch bệnh hiện nay, về hoạt động trường học, tái thiết lịch trình ăn ngủ, học tập của các con, đồng thời giảm bớt các hoạt động online của con... Dẫu trong giai đoạn này học sinh, phụ huynh không tránh khỏi tâm lý lo lắng về dịch bệnh. Khi đến trường sẽ vẫn có tình trạng 1-2 ca nhiễm nhưng cần ứng xử như bệnh cúm, không kỳ thị học sinh nhiễm bệnh. Ngay cả phụ huynh cũng cần hiểu rõ thực tế, tránh tình trạng gây áp lực với giáo viên, trường học khi xuất hiện ca nhiễm.
“Cùng với đó, thời điểm này các trường học cần kích hoạt các buổi nói chuyện, lắng nghe, thấu hiểu học sinh xem các em cần gì, khó khăn ra sao để tư vấn kịp thời. Hiện nay, không phải trường học nào cũng có tổ tư vấn tâm lý học đường, cần cập nhật các bài nói chuyện dưới dạng học liệu số, kết nối chuyên gia nói chuyện, hỗ trợ tâm lý học sinh để các em đến trường không gặp khó khăn, rào cản về mặt tâm lý”, TS Nam cho hay.