Sách giáo khoa giả tại Hà Nam: Từ đâu mà có?
Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đang phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) điều tra, làm rõ việc đưa sách giáo khoa giả vào trường học.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nam đã yêu cầu kiểm tra, rà soát việc trang bị sách giáo khoa, sách bài tập trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, báo cáo của Phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên cho thấy đã phát hiện lỗi thiếu số trang trong một số ít (7) cuốn sách Hướng dẫn học (sách giáo khoa) mô hình trường học mới tại Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến. Nhà trường đã thu hồi và đổi sách cho học sinh.
Tại Trường THCS Châu Giang và THCS Mộc Nam, học sinh sử dụng một số vở bài tập được cung cấp bởi Công ty TNHH Vnbooks (trụ sở tại 864 đường Phúc Diễn, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Sách giáo khoa giả tại Hà Nam |
Trước đó, 2 trường học này đã tổng hợp số lượng đăng ký từ phụ huynh học sinh, gửi về cho ông Trần Văn Dũng (là viên chức phụ trách công tác thống kê, kế hoạch, sách - thiết bị trường học của Phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên). Ông Dũng đã gửi số liệu này cho công ty TNHH Vnbooks.
Công ty TNHH Vnbooks thừa nhận có cung ứng số vở bài tập nói trên nhưng công ty không tự sản xuất mà nhập từ nhiều nguồn khác nhau.
Hiện, Trường THCS Châu Giang và THCS Mộc Nam đã tạm dừng sử dụng, lập biên bản thu hồi toàn bộ số vở bài tập này, tiến hành lưu kho và niêm phong tại chỗ, bàn giao lại cho công ty TNHH Vnbooks có trách nhiệm giải quyết.
Qua báo cáo của 5 phòng GD&ĐT còn lại và 23/23 trường THPT cho thấy, SGK, tài liệu tham khảo tại các đơn vị đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có sách giả, sách lậu.
Hiện Sở GD&ĐT đang phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) điều tra, làm rõ việc đưa vở bài tập không rõ nguồn gốc vào trường học.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm