'Robot rắn': Giải pháp mới cho hoạt động bảo dưỡng hạ tầng dưới đáy biển
Những thiết bị tân tiến dưới nước đang được phát triển để thực hiện nhiệm vụ trên với chi phí rẻ, an toàn và ít ô nhiễm hơn.
Phương tiện không người lái đang được áp dụng ngày càng nhiều trong các hoạt động bảo dưỡng các giếng nước sâu và hệ thống đường ống. Nhưng tại môi trường biển, các phương tiện này cần được vận chuyển đến địa điểm ngoài khơi, sau đó cần được vận hành từ xa trên một chiếc tàu nổi. Theo Pål Liljebäck, giám đốc công nghệ của Eelume Subsea Intervention, quá trình này có thể tốn tới 100.000 USD mỗi ngày.
Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại, công ty Eelume Subsea Intervention đã phát triển robot tự hành Eelume, có hình dạng giống con rắn dài 6 mét, được trang bị các cảm biến và camera ở mỗi đầu. Nó có thể hoạt động ở độ sâu lên đến 500 mét trong 6 tháng liên tiếp mà không cần phải đưa trở lại phía trên mặt nước.
Những con robot này có thể di chuyển quãng đường khoảng 20 kilomet cho mỗi lần nạp đầy điện. Nó cũng có thể hoán đổi các bộ phận cho từng nhiệm vụ khác nhau, ví dụ như các công cụ để vận hành van dưới đáy biển hay bàn chải làm sạch để loại bỏ cặn và các trầm tích biển.
Theo Lijeback, Eelume có thể thực hiện các nhiệm vụ và can thiệp vào hệ thống đường ống dưới đáy biển bất cứ lúc nào, qua đó giảm chi phí cho các nhu cầu vận chuyển và hoạt động trên các tàu nổi.
Robot rắn Eelume có thể hoạt động độc lập với các nhiệm vụ được giao từ một phòng điều khiển trên bờ. Đồng thời, công cụ này sẽ gửi lại video và dữ liệu thu được tới máy chủ.
Thiết kế giống như con rắn cho phép robot hoạt động trong không gian nhỏ hẹp, có thể xoay chuyển cơ thể để giữ nguyên vị trí trong dòng chảy mạnh. Bằng cách “sống” ngay dưới cảng biển, robot có thể được triển khai trong bất kỳ điều kiện nào trên bề mặt đáy đại dương.
Cuộc cách mạng mới dưới biển sâu
Theo các nhà phân tích, thị trường robot dưới nước toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025. Các công ty trên thế giới cũng đang trong quá trình thương mại hóa công nghệ robot và máy bay không người lái dưới biển sâu.
Saipem, một công ty cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực dầu mỏ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ý, đã tạo ra máy bay Hydrone R không người lái dưới nước. Chiếc máy này có thể lặn sâu tới 3.000 mét để phục vụ công việc xây dựng và bảo trì.
Công ty khởi nghiệp Houston Mechatronics của Mỹ cũng phát triển robot Aquanaut, có thể điều khiển từ xa hoặc tự hoạt động dưới đáy biển. Một loại robot khác là Saab Seaeye Falcon của Thụy Điển đã được sử dụng để kiểm tra các trang trại cá ở Chile…
Công ty dầu khí Equinor của Na Uy là nhà đầu tư ban đầu vào Eelume. Pal Atle Solheimsnes, kỹ sư chính của Equinor cho biết: “Việc sử dụng những con robot tân tiến này để bảo trì và sữa chữa sẽ giúp giảm chi phí cho công ty. Thay vì sử dụng nhân viên làm việc trong điều kiện nguy hiểm ngoài khơi, họ có thể thực hiện công việc tại phòng điều khiển trên bờ”.
Các ngành công nghiệp dầu khí là một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Việc thăm dò dòng nước sâu có thể hủy hoại môi trường biển. Các phương tiện đốt dầu diesel thải ra rất nhiều C02 nhưng các robot như Eelume hầu như không thải ra gì cả. Công nghệ robot Eelume có thể mang tới những lợi ích về môi trường.
Nhà tài trợ thiết bị các robot hoạt động dưới đáy biển Eelume sẽ thực hiện thử nghiệm cuối cùng dưới đáy biển vào cuối năm nay tại mỏ dầu khí Åsgard. Eelume cho biết họ dự kiến sẽ triển khai 'robot rắn' đầu tiên vào năm tới và hy vọng có thể đưa 50 robot Eelume vào hoạt động bảo trì cơ sở hạ tầng dưới đáy các đại dương trên khắp thế giới vào năm 2027.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo