Sáng chế robot chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của bác sĩ BVĐK Sa Đéc
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo, bác sỹ Lê Ngọc Lâm (Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc) đã chế tạo thành công thiết bị y tế “Robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân khu cách ly”.
Là một bác sĩ chứ không phải là một kỹ sư nhưng bác sĩ chuyên khoa I. Lê Ngọc Lâm – Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc khiến đồng nghiệp và nhiều người ngưỡng mộ khi anh liên tục có những sáng kiến và sáng chế ra nhiều thiết bị có tính ứng dụng cao tại đơn vị, giúp gia tăng năng suất công việc, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đơn vị.
Thấy đồng nghiệp hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất trong quá trình nhuộm các tiêu bản để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân viên y tế. Để khắc phục hạn chế này, cách đây hơn 1 năm, bác sĩ Lâm đã tìm tòi, sáng chế ra máy nhuộm lam tiêu bản tự động. Với chiếc máy này, chỉ cần thao tác điều chỉnh thời gian và hẹn giờ, phần còn lại đều do chiếc máy đảm nhiệm, nhân viên y tế không cần phải trực tiếp đứng nhuộm như trước, vừa nhanh chóng vừa đảm bảo an toàn.
Và mới đây nhất, bác sĩ Lê Ngọc Lâm đã nghiên cứu, sáng chế thiết bị y tế “Robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân khu cách ly”, góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả.
Theo bác sĩ Lâm, thiết bị nặng 4,5 kg nhưng có khả năng vận chuyển trọng lượng lên đến 10 kg, sóng truyền xa khoảng 40 m, pin sạc có thể sử dụng liên tục 6 giờ với chi phí chưa tới 2 triệu đồng.
Điểm nổi bật của robot là được tích hợp camera và thiết bị âm thanh để phát nhạc hiệu thông báo cho người bên trong ra nhận đồ, khi đi đến đúng phòng.
Hiện tại, thiết bị đang đảm nhận việc mang thực phẩm, thuốc uống đến cho người đang điều trị tại khu cách ly y tế của bệnh viện.Tác giả chia sẻ, trước tình hình cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chỉ trong chưa đến một tuần nghiên cứu, trực tiếp thiết kế, lắp ráp "Robot vận chuyển phục vụ cho bệnh nhân khu cách ly” đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Do thiết kế nhỏ gọn nên robot có thể dễ dàng di chuyển ở những không gian nhỏ hẹp.
Tuy nhiên, trên thiết bị đầu tiên, công tắc khởi động được đặt trên thân máy nên quá trình thao tác có hạn chế đối với người dùng, vì vậy khi “khai sinh”thiết bị thứ 2, công tắc khởi động được tích hợp ngay trên bộ phận điều khiển, giúp người vận hành hoàn toàn không tiếp xúc với robot.
Toàn bộ thao tác này được điều khiển từ xa thông qua hình ảnh tương thích trên điện thoại di động.
Chia sẻ về những sáng chế của mình, bác sĩ Lâm tâm sự: “Vì mình có đam mê nghiên cứu, với lại qua thực tiễn công việc tại đơn vị, mình thấy có những vấn đề cần phải cải tiến để giúp ích cho công việc từ đó thôi thúc mình tìm tòi, nghiên cứu để cải tiến nhằm đạt kết quả cao hơn”.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo