Ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường
Sáng 3/12, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Sáng 3/12, tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Tại Lễ ra mắt, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, được thành lập từ năm 2000, VIASEE đã trải qua một chặng đường hoạt động mang đậm dấu ấn tích cực, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
VIASEE với đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu đã đóng góp nhiều ý kiến phản biện liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững…
Với những thành tích xuất sắc trong thời gian qua, VIASEE đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng Cờ thi đua xuất sắc…
Tạp chí Kinh tế Môi trường với vai trò và sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của VIASEE, sau 15 năm hình thành và phát triển đã và đang trở thành tờ Tạp chí uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cùng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập, Lãnh đạo VIASEE sắp xếp, kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc sắp xếp, kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn bộ mục tiêu, nội dung, cơ chế hoạt động của Tạp chí Kinh tế Môi trường trong thời gian tới. Một trong những bước kiện toàn đó là thành lập Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Theo đó, Hội đồng Biên tập có 14 thành viên với nhiệm vụ tư vấn cho Ban Biên tập phụ trách về định hướng, chương trình và kế hoạch hoạt động của Tạp chí. Hỗ trợ Ban Biên tập thẩm định các bài viết trên Tạp chí (Bao gồm cả Tạp chí in và Tạp chí điện tử) để đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, các bài viết chuyên sâu, chất lượng; đề xuất người phản biện khoa học đăng tải trên Tạp chí; đề xuất phân loại và xếp hạng bài báo khoa học đối với Tạp chí In, số khoa học.
Cũng theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Hội đồng Biên tập sẽ xác định rõ định hướng, mục tiêu phát triển của Tạp chí. Đồng thời, xây dựng lộ trình, chiến lược, giải pháp quảng bá, marketing sâu rộng cho Tạp chí; có giải pháp cụ thể để tăng cường chất lượng Tạp chí, nâng cao hệ số trích dẫn các bài báo trên Tạp chí, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội đồng Biên tập cũng khuyến khích các bài báo bằng tiếng Anh trên Tạp chí số Khoa học để tăng cường khả năng nhận diện quốc tế và tăng hệ số trích dẫn. Thực hiện Quy trình phản biện chặt chẽ và theo thông lệ quốc tế...
Toàn bộ quy trình nộp bài, phản biện, biên tập và xuất bản các bài báo trên Tạp chí đã được triển khai online hoàn toàn tại Tạp chí điện tử https://kinhtemoitruong.vn. Các thành viên Hội đồng Biên tập phát huy vai trò, trách nhiệm khi biên tập bài, tích cực tham gia vào các hoạt động của Tạp chí; Có định hướng và giải pháp phù hợp để đảm bảo tự chủ tài chính cho Tạp chí theo yêu cầu của VIASEE.
Chia sẻ tại buổi ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đánh giá cao những hoạt động của VIASEE cũng như Tạp chí trong thời gian qua. Với việc kiện toàn này, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục phát triển theo đúng đường hướng đề ra.
Tham dự Lễ ra mắt, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường khẳng định: "VIASEE cũng như Tạp chí Kinh tế Môi trường là đơn vị tiêu biểu trong VUSTA. Với những thế mạnh của mình, Tạp chí đã góp phần vào việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực Kinh tế - Môi trường.
Tham gia vào Hội đồng Biên tập, tôi sẽ có sự phối hợp để tổ chức một số sự kiện, chương trình trong thời gian tới. Và tôi tin tưởng VIASEE cũng như Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ ngày càng phát triển".
Thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường
-PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch VIASEE (Chủ tịch).
-PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch VIASEE, Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập.
-Nhà báo Nguyễn Tường Quân, Chánh Văn phòng Hội- Ủy viên Thường trực.
-GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Ủy viên).
-PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ Hội, Phó Chủ tịch VIASEE (Ủy viên).
-GS. Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ủy viên).
-GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban thường vụ Hội VIASEE (Ủy viên).
-TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, Đại biểu Quốc hội khóa XV (Ủy viên). -GS.TS Lê Chí Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ Nhiệt lạnh - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (Ủy viên).
-TS.Trịnh Văn Súy, Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa (Ủy viên).
-TS.Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Cục Môi trường Bộ TN&MT (Ủy viên).
-TS.Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Ủy viên).
-Luật sư Hà Huy Phong, Trưởng Ban pháp chế VIASEE (Ủy viên).
-Nhà báo Nguyễn Văn Chương, Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường (Thư ký Hội đồng).
Xuân Hòa