Quyết tâm đưa mức phát thải ròng về '0' vào năm 2050
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thống nhất cơ bản quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông báo nêu rõ, quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, được Bộ Công Thương tổ chức lập theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.
Đây là quy hoạch ngành quốc gia được các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm và có nhiều kiến nghị, đóng góp trong quá trình Bộ Công Thương tổ chức lập, cũng như giai đoạn hoàn thiện quy hoạch theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050
Hội nghị thống nhất cơ bản về dự kiến quy hoạch tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW với cơ cấu các loại nguồn điện như báo cáo của Bộ Công Thương.
Quy mô này đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Kết quả này thể hiện rõ sự hợp lý hơn, ưu việt hơn so với phương án Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021, trong đó, dự kiến tổng công suất nguồn điện giảm khoảng 35.000 MW, khối lượng đường dây 500, 220kV giảm khoảng 2.000 km; qua đó giảm nhu cầu vốn đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030.
Về dài hạn đến năm 2045, Hội nghị thống nhất cơ bản quyết tâm chung thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; ngành điện sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2 và dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện khoảng 400.000 MW.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các địa phương tại Hội nghị để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và trình duyệt.
Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Công Thương phải tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các kết luận chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ, trong đó cần làm rõ các tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ để bố trí không gian phát triển các vùng, miền, địa phương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.
Đồng thời, rà soát đồng bộ quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải; xác định danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên phát triển từng thời kỳ, nhất là giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 theo đúng các tiêu chí đề ra trong quy hoạch; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp điều hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Những cam kết tại COP26 và hành động mạnh mẽ của ngành Công Thương
Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn…
Theo giới chuyên gia, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ của Việt Nam là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chính vì thế việc thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.
Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;
Thứ 2, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam; thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Trong đó, mục tiêu tổng thể của kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.
Mai Anh