Quý II, Vissan thu về gần 3000 tỷ, báo lãi giảm mạnh
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan ghi nhận doanh thu là 2.686,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 87,9 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan - Mã chứng khoán VSN - sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/20202.
Theo đó, doanh thu của Vissan trong kỳ đạt 1.233 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 41,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2019
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 2.686,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 87,9 tỷ đồng, giảm 11,8% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm từ 22,7% về mức 19,6% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 4,3% về mức 3.3%. Ngoài ra, trong kỳ chi phí tài chính tăng 3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 9,2 tỷ đồng. Như vậy, xu hướng chi phí có dấu hiệu tăng trong 6 tháng đầu năm.
Trước đó trong quý I, do cách ly xã hội nên các mặt hàng của Vissan dường như được tiêu thụ nhiều hơn cùng kỳ 2019, doanh thu quý này đạt gần 1.468 tỷ đồng, tăng 20,9% cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp đạt 20%, giảm nhẹ so với số cùng kỳ 2019.
Quầy bán thực phẩm Vissan
Chi phí bán hàng chiếm đa số tổng chi phí của công ty, đạt 183,3 tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ năm trước, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16%, còn 51,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Vissan đạt 57,6 tỷ đồng, tăng 17%, lợi nhuận sau thuế đạt 46,5 tỷ đồng, tăng 19,3% cùng kỳ năm trước. EPS quý 1 đạt 313 đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, HĐQT trình kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu dự kiến đạt 5.580 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và giảm 20% so với thực hiện năm 2019.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, Vissan trích quỹ đầu tư phát triển tối thiểu 15% lợi nhuận sau thuế và sẽ không thực hiện chia cổ tức nhằm tăng năng lực tài chính thực hiện dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm tại Long An và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất năm 2020.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vissan cho biết giá nguyên liệu lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2020 sau đó giảm dần ở năm 2021 và đi vào ổn định từ năm 2022 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Vissan đang có thị phần riêng tại Việt Nam
Giá nguyên liệu bò hơi và các nguyên vật liệu sản xuất khác tương đối ổn định do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ dồi dào, giá cả cạnh trạnh.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp sản xuất kinh doanh của Vissan. Trên cơ sở dự báo, dịch bệnh diễn ra trong năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty sẽ đi vào ổn định từ năm 2021.
Cũng tại đại hội đồng cổ đông, các cổ đông đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo công ty về mức độ cạnh tranh giữa Vissan và Masan trong lĩnh vực thịt tươi sống khi cả hai đều có nhiều mặt hàng tương đồng. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan/ Phó Tổng giám đốc Satra khẳng định, thị trường thịt còn rất rộng mở, trong khi đó, mỗi đơn vị đều có phân khúc và phân định thị trường khác nhau.
Hiện nay sản phẩm của Vissan gồm 2 mảng chính là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Visan đang sở hữu 2 trang trại và 3 nhà máy hiện đại, với mạng lưới phân phối tại 130.000 điểm bán hàng khắp Việt Nam. Năng lực giết mổ 2.400 con heo/ngày và 300 con bò Úc/ngày. Năm 2019, công ty cung cấp ra thị trường hơn 24.300 tấn thịt heo và 1.645 tấn thịt bò.
Với thực phẩm chế biến, công ty đang cung cấp cho thị trường toàn quốc 28.000 tấn/năm. Vissan cho biết công ty này đang chiếm 70% thị phần lạp xường, 20% thị phần đồ hộp và 65% thị phần xúc xích tại Việt Nam.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm