Quy hoạch Hà Nội, vào năm 2030 'bộ mặt mới' ra sao?
Hà Nội đặt mục tiêu sẽ hoàn thành Vành đai 4 trước năm 2027; xây dựng Vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài; xây dựng thêm một sân bay quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có 4-7 huyện lên quận vào năm 2030.
Nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Trong Nghị quyết có nêu: Hà Nội còn nhiều hạn chế cần khắc phục; tiềm năng Thủ đô chưa được khai thác đầy đủ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng.
Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năng lực cạnh tranh của Hà Nội còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới.
Hạ tầng kinh tế - xã hội của Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ... Nhiều dự án lớn chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "văn hiến, văn minh, hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 phải cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP giai đoạn 202-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 12.000-13.000 USD.
Vào năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao, thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000 USD. Năm 2025, Hà Nội có 3-5 huyện lên quận; năm 2030 thêm 1-2 huyện lên quận. Sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ... sẽ được cải tạo.
Đồng thời, cần tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.
Thành phố cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt. Các ngành được ưu tiên là dịch vụ giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.
Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ được triển khai với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan hài hòa hai bên sông.
Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; quy hoạch, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh, không gian cộng đồng.
Hà Nội tăng đầu tư cho công nghiệp văn hóa
UBND TP.Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, đáng chú ý về nhóm chỉ tiêu công nghiệp văn hóa, giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội.
Thành phố sẽ cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa Hà Nội.
Qua đó, đưa Hà Nội cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo. Ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.
Giai đoạn đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.
Công nghiệp văn hóa được phát triển trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc và Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Hà Nội quyết tâm đưa công nghiệp văn hóa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng đến mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước ra khu vực và thế giới.
Để làm được điều này, Hà Nội đang có kế hoạch tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và có cơ chế chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa. Dự kiến, mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP.Hà Nội cũng nêu rõ, thành phố sẽ tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội, để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.
Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển văn hóa, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của phát triển kinh tế xã hội, thiên tai, dịch bệnh và những tác động khác.
Thành phố phấn đấu hoàn thành Vành đai 4 trước năm 2027; xây dựng Vành đai 5 trước năm 2030; mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài; xây dựng thêm một sân bay quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Bùi Hằng