Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.
Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU
Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận gồm:
1- Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).
2- Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Nghị định cũng quy định về kiểm tra lô ruộng lúa thơm. Theo đó, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định. Phương pháp kiểm tra độ thuần giống lúa thơm theo quy định. Mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi Mã hiệu.
Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt và Điều 7 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thực hiện kiểm tra lô ruộng lúa thơm.
Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Nghị định số 103 quy định chi tiết nội dung về chứng nhận chủng loại gạo thơm phù hợp với nội dung của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại.
Nghị định cũng đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo thơm sang EU; xã hội hóa tối đa các dịch vụ công.
Theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0% đối với gạo xay xát, chưa xay xát và gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
Đối với 30.000 tấn gạo thơm trong hạn ngạch, quy định tại Hiệp định EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm là: Jasmine 85, ST 20, ST 5, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm