Quỹ bảo trì chung cư: Đóng dễ, đòi khó
Luật Nhà ở 2014 quy định, người mua căn hộ chung cư phải nộp kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế VAT) ngay tại thời điểm nhận bàn giao nhà.
Đây là một phần thông tin phản hồi đáng chú ý của UBND quận Bắc Từ Liêm về đề nghị làm rõ nguyên nhân tình trạng nhiều tòa nhà chung cư chậm bàn giao hồ sơ, chậm bàn giao quỹ bảo trì 2%.
Theo đó, trên địa bàn quận có tổng số 141 tòa nhà chung cư đã đưa vào sử dụng (34 tòa cao dưới 10 tầng; 37 tòa cao từ 10-20 tầng; 70 tòa cao trên 20 tầng). Tổng số căn hộ khoảng trên 24.000 căn hộ.
Trong số này, có 107 chung cư thương mại (15 nhà ở xã hội), 7 chung cư tái định cư và 27 chung cư dạng tự quản (xây dựng trước 1.1.2006; chung cư do CĐT quản lý chung của KĐT và nhà ở công vụ do quân đội quản lý).
UBND quận cho biết, hiện mới chỉ có 76/114 chung cư cần phải thành lập BQT đã thành lập BQT (đạt 67%), còn lại 27 chung cư tự quản không thành lập BQT.
Quỹ bảo trì: Chủ đầu tư chậm bàn giao và chiếm dụng để kinh doanh
Về công tác bàn giao quỹ bảo trì: 42/76 tòa chung cư đã bàn giao hoặc không có quỹ bảo trì; 12/76 tòa chung cư bàn giao một phần quỹ; 22/76 tòa nhà chưa bàn giao quỹ bảo trì, cụ thể: 8 tòa chưa thống nhất được số liệu quỹ bảo trì, 14 tòa BQT đang làm việc với CĐT để bàn giao.
Về bàn giao hồ sơ: 12/76 tòa chưa bàn giao; 11/76 tòa bàn giao chưa đầy đủ; 53/76 tòa đã bàn giao hồ sơ.
Lý giải nguyên nhân chậm bàn giao quỹ bảo trì, UBND quận Nam Từ Liêm thông tin: Căn cứ Khoản 1 Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tại tổ chức tín dụng đang hoạt động để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tòa nhà. Nhưng do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên hầu hết CĐT đều nhập vào tài khoản của CĐT, chiếm dụng tiền bảo trì để kinh doanh.
Việc quyết toán kinh phí bảo trì cần sự thống nhất giữa CĐT và BQT. Tuy nhiên trong trường hợp CĐT cố tình không bàn giao với lý do chưa quyết toán được, cơ chế xử lý các trường hợp này còn nhiều vướng mắc.
Liên quan tới nguyên nhân chậm bàn giao hồ sơ nhà chung cư, theo UBND quận Bắc Từ Liêm, hồ sơ nhà chung cư quy định tại Điểm 5 Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định chưa rõ ràng, đặc biệt là hồ sơ pháp lý của dự án gồm những hồ sơ gì? Cư dân yêu cầu bàn giao hồ sơ thiết kế cơ sở hoặc phương án kiến trúc (GPXD nếu có), tuy nhiên đa số CĐT không bàn giao.
Đáng chú ý, một số tòa chung cư xây dựng trước năm 2013 (thời điểm áp dụng Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng và Quyết định 01/2013/QĐ-UBND ngày 4/1/2013 của UBND Thành phố Hà Nội), hồ sơ nhà chung cư chỉ bao gồm các bản vẽ hoàn công, không yêu cầu bàn giao hồ sơ pháp lý. Do vậy, cư dân không đồng ý với thành phần hồ sơ nhà chung cư mà CĐT đã bàn giao và yêu cầu bàn giao bổ sung.
Tới ngày 31/10/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 06/2019/TT-BXD về sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định liên quan đến thành phần hồ sơ nhà chung cư – đã tháo gỡ khó khăn được đối với một số tòa chung cư mới thành lập BQT sau này.
Được biết, hàng năm UBND quận xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng nhà chung cư, thành lập Đoàn kiểm tra nhà chung cư để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà chung cư và giải quyết đơn thư, khiếu kiện của cư dân và BQT…
Về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan, UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết đã đề xuất UBND TP xử phạt 01 chủ đầu tư do bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, phạt 125 triệu đồng đối với Công ty CP xây dựng số 2 (Vinaconex 2).
Đề xuất UBND TP xử phạt CĐT Công ty CP Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân 125 triệu đồng do chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo quy định.
Đề xuất UBND TP xem xét, không giao Vinaconex 2 làm CĐT các dự án nhà ở tiếp theo trên địa bàn thành phố…
Căn cứ Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tại tổ chức tín dụng để tạm quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tòa nhà. Nhưng do không có cơ chế kiểm tra, giám sát nên hầu hết CĐT đều nhập vào tài khoản của CĐT, chiếm dụng tiền bảo trì để kinh doanh.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm