Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu mực ống Cô Tô
Nằm trên ngư trường rộng lớn, Cô Tô (Quảng Ninh) có loài mực ống biển Bắc, vốn là giống mực đặc trưng với độ lớn, thân dài, nhọn.
Mực Cô Tô nổi tiếng bởi độ dai, mềm, ngọt, hương vị khác hẳn sản phẩm các vùng khác |
Mực ống được khai thác ở vùng biển Cô Tô bao giờ cũng được những người sành ăn đánh giá cao hơn hẳn mực đánh bắt ở các vùng biển khác, kể cả mực ông nổi tiếng của Trung Quốc. Từ môi trường đánh bắt biển gần, được đưa ngay về nơi chế biến trên đảo Cô Tô làm cho các sản phẩm mực ống Cô Tô đã trở nên ngon ngọt đặc biệt.
Nổi tiếng là thế nhưng các hộ sản xuất mực khô hoặc mực một nắng ở Cô Tô đều bán sản phẩm không có nhãn mác gây khó khăn cho việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của chính họ và người tiêu dùng.
Trong xu thế hội nhập, cần phải xây dựng thương hiệu cho mực ống Cô Tô, bắt nguồn từ quy trình chế biến sản phẩm theo cách tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, đó là yêu cầu cấp thiết.
Nhắc tới mực ống Cô Tô, chắc hẳn người dân, thực khách sành ăn sẽ nhớ ngay tới mực khô, mực một nắng Cô Tô có tiếng |
Hiện Cô Tô có khoảng 5 hộ lớn và hàng chục hộ làm nghề chế biến thuỷ sản khô; trong đó có sản phẩm mực “một nắng” và mực khô. Khi vào vụ, trung bình mỗi hộ chế biến được khoảng 2 tạ mực khô và 2 tạ mực “một nắng”/tháng. Giá thành sản phẩm cũng tăng, từ 1,1-1,2 triệu đồng/kg mực khô lên 1,8-1,9 triệu đồng/kg, mực một nắng loại 1: 700 nghìn đồng/kg, loại 2: 600 nghìn đồng/kg.
Hiện sản phẩm mực khô (cơ sở Thanh Măng) và mực một nắng (Cơ sở Thanh Uý) lần lượt được xếp hạng 3, 4 sao cho sản phẩm OCOP. Sản phẩm mực khô và mực một nắng đã thực sự trở thành một thương hiệu lan toả, một món quà ngon cho du khách khi tới Cô Tô, Quảng Ninh.
Không chỉ vậy, để nâng cao giá trị, đa dạng hoá sản phẩm, hiện các đơn vị chế biến ở Cô Tô còn quan tâm đầu tư sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm gia tăng từ con mực, như: Chả mực, chả hải sản...
Đi đầu và tiêu biểu cho xu hướng này là cơ sở Thanh Măng. Các sản phẩm này được đơn vị sản xuất đưa ra thị trường từ đầu năm 2019 và được thực khách đón nhận ở các hội chợ OCOP tỉnh. Hiện sản phẩm đang được đề xuất tham gia chương trình OCOP. Đây cũng là định hướng được huyện Cô Tô ủng hộ, khuyến khích trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để sản phẩm phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa thương hiệu sản phẩm mực ống Cô Tô, cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất chưa tuân thủ quy trình sản xuất. Bởi hiện đã có hiện tượng các sản phẩm thương hiệu mực Cô Tô bị nhái, nhập nguyên liệu đầu vào không rõ ràng, làm ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm mực Cô Tô vốn được dày công xây dựng từ trước tới nay.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm