Khánh Hòa: Hướng đi bền vững từ sản phẩm rong nho
Vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ nước ta như tại Khánh Hòa là nơi tập trung nhiều trang trại trồng, chế biến và xuất khẩu rong nho nhiều nhất cả nước.
Từ lâu, rong nho được người Nhật khai thác ngoài tự nhiên và sử dụng như là một loại thực phẩm tươi sống hàng ngày. Theo nhu cầu ngày càng cao của con người và sự khan hiếm của rong nho ngoài tự nhiên, người ta phải trồng rong nho để có thể thu hoạch và đủ sử dụng. Vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ nước ta (tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) là nơi tập trung nhiều trang trại trồng, chế biến và xuất khẩu rong nho nhiều nhất cả nước.
Rong nho có thể được trồng như trong môi trường tự nhiên của chúng – các vùng biển cạn và yên tĩnh, hoặc trong các ao đầm và cả trong lồng, trên dây treo ngoài biển, vì chúng có đặc điểm cấu tạo là phần “thân, nhánh” được gắn vào đá, cát hay nền đáy sỏi bằng các sợi rễ nhỏ màu trắng. Rong nho hấp thu chất dinh dưỡng từ môi trường nước xuyên qua các “nhánh” và “lá” này để phát triển. Từ phần “thân, nhánh” ấy mọc ra các lá có hình tròn, đường kính khoảng 2 mm như quả nho thu nhỏ. Trong điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn và chất dinh dưỡng thích hợp, rong nho phát triển rất nhanh, thời gian thu hoạch ngắn. Rong nho thường phát triển nhanh trong điều kiện nuôi theo quy trình khép kín, một đợt nuôi kéo dài từ 20 – 30 ngày là có thể thu hoạch.
Rong nho Khánh Hòa cho hiệu quả kinh tế cao
Theo ông Mai Văn Lỷ - Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm cán bộ khuyến nông phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), thời gian gần đây, nhiều hộ đã phát triển mạnh diện tích rong nho trên địa bàn phường. Năm 2014, phường chỉ có 5 hộ trồng rong nho với diện tích khoảng 7ha. Sau 2 năm, toàn phường có 14 hộ và 2 công ty trồng rong nho với diện tích khoảng 10,5ha. Hội Nông dân và cán bộ khuyến nông của phường thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng rong nho trong ao cho các hộ.
Tuy nhiên để phát triển rong nho bền vững, địa phương này kiến nghị lên các cấp quan tâm hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định hơn. Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải đánh giá, thời gian qua mô hình nuôi trồng rong nho đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác.
Chi phí đầu tư trồng rong nho ở mức thấp, trung bình mỗi ha trồng từ 5-10 tấn rong giống và mỗi tấn giống giá từ 3,5-4 triệu đồng. Song rủi ro ít, giá rong nguyên liệu thu mua ở mức trung bình từ 35-40 ngàn đ/kg, người dân lợi nhuận tương đối cao. Đặc biệt nghề này đã góp phần giải quyết nhiều công lao động.
“Từ khi thả giống đến khi thu hoạch mất từ 1-2 tháng. Trung bình 1 sào trồng rong nho cho lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng”, ông Tùng chia sẻ. Mỗi lứa thu hoạch cách nhau khoảng 15-30 ngày và mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa vì còn thời gian nghỉ và vệ sinh ao nuôi.
Rong nho là món rau xanh hấp dẫn
Về điều kiện phù hợp giúp rong nho sống và phát triển, theo người trồng là ở các vùng biển ấm, nhiệt độ dao động từ 25 - 28 độ C và độ mặn từ 30/1000 đến 35/1000. Do đó, mỗi ao nuôi rong nho đều được dùng lưới lan để che nắng. Nguồn nước biển nuôi rong nho được kiểm tra và thay nước thường xuyên. Hiện nay phương pháp trồng rong dưới đáy nước được nhiều người dân áp dụng để cây rong mọc tự nhiên, không gò ép.
Rong nho có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng đơn giản nhất là nấu canh, làm gỏi với tôm cùng cà chua và bắp cải xắt nhuyễn; ăn kèm với đậu hũ om như người Nhật hoặc chỉ đơn giản dùng như một loại rau sống rồi chấm kèm với nước sốt rồi thưởng thức. Rong nho sau khi thu hoạch, trước khi cần chế biến nên nhẹ nhàng rũ hết cát rồi thả vào nước ngọt cho bớt vị mặn rồi ngâm vào nước đá cho giòn là có thể thưởng thức.
Tiềm năng của ngành rong biển Việt Nam rất lớn, nhờ đường bờ biển dài và thuộc vùng biển ấm. Mô hình này thích hợp ở cả những vùng đảo thiếu nước ngọt và rau xanh như Hoàng Sa, Trường Sa, mang lại thu nhập cho bà con ngư dân.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm