Phục hồi và phát triển ngành hàng không sau dịch Covid-19
Thị trường hàng không đang sôi động và phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch Covid-19. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ kiến tạo thị trường và hành lang phát triển chính là chìa khóa cho việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng của ngành hàng không.
Nhiều thách thức
Trong suốt một thập niên từ năm 2010-2019, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong nước, trở thành phương thức và biểu tượng kết nối Việt Nam với thế giới. Năm 2019, lượng khách đi máy bay tăng gấp 4 lần so năm 2010, đạt 37,4 triệu lượt khách nội địa và 41,2 triệu khách quốc tế.
Với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 đạt trên 15% năm, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của ngành hàng không luôn là động lực, khâu đầu tiên trong thu hút đầu tư và phát triển du lịch đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 được xem là cú sốc lớn nhất với ngành hàng không kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt trong năm 2020 và 2021. Thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế (chiếm trung bình khoảng 60% năng lực khai thác). Thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng.
Tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới”, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không và gây ra các hậu quả tiêu cực đến các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề nhận định: “Hàng không Việt Nam đã tạo ra và duy trì được sự phát triển khá nhanh trong 2 thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã cắt đứt đà phát triển của ngành hàng không Việt Nam. 2 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam đã giảm sút mạnh mẽ, cấu trúc thay đổi với nhiều bất lợi. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến dòng tiền mất cân đối, tình trạng thanh khoản của doanh nghiệp hàng không giảm nhanh và sâu; nhiều lao động của ngành hàng không mất hoặc bị giảm việc làm…".
Bên cạnh đó, khả năng phục hồi của ngành hàng không đang là chủ đề được nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia quan tâm. Đã có rất nhiều những dự báo khác nhau về tái cấu trúc và phục hồi ngành hàng không ở các nước.
Đến nay, dù phần lớn các đường bay quốc tế đã được khôi phục song các thị trường trọng yếu, chiếm tỷ trọng lớn về lượng khách như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Thêm nữa, sau 2 năm chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành Hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật để có đủ nguồn tài chính, dòng tiền duy trì hoạt động.
Cùng với đó, sau thời gian dài giữ ổn định ở mức thấp thì giá dầu liên tục tăng thời gian qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực, trở thành thách thức không nhỏ đến các hãng hàng không nói riêng và ngành Hàng không nói chung...
Ưu tiên các giải pháp hỗ trợ hiệu quả
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, có không ít cơ hội đối với ngành hàng không để mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Đặc biệt, cần tập trung khai thác thị trường nội địa; bên cạnh đó, tận dụng việc Việt Nam mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế để khôi phục từng bước các hoạt động khai thác quốc tế và là tiền đề để khôi phục toàn bộ cũng như mở rộng, phát triển các hoạt động khai thác quốc tế.
Ngoài ra, trong 2 năm vừa qua, ngành hàng không đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Với việc hoàn thành các dự án trong tháng 4/2022, năng lực phục vụ của các cảng hàng không này được cải thiện và nâng cao đáng kể, kịp thời đón đầu sự hồi phục của vận tải hàng không. Đây cũng một cơ hội rõ ràng cho các hãng hàng không trong việc mở rộng hoạt động khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng đến các sân bay này.
Nhận định về khả năng phục hồi của hàng không Việt, GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, triển vọng phát triển hàng không Việt trong năm nay và thời gian tới khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng. Các chuyến bay khai thác nội địa đã có sự bứt phá, các chuyến bay quốc tế đưa khách nước ngoài cũng sôi động trở lại.
Để phục hồi và phát triển ngành Hàng không trong bối cảnh mới, GS. Trần Thọ Đạt kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, Hàng không, Du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 23 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đồng thời, cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không... Về phía các hãng hàng không cũng cần chủ động có các giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.
Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Chính phủ Việt Nam nhận định vaccine là vũ khí chiến lược, là lá chắn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch đến nay rất khả quan. Việt Nam đã thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ và có những triển vọng rất tốt sau đại dịch Covid-19. Đối với ngành hàng không, đây là một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng.
“Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại. Quá trình khôi phục ngành hàng không cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp ngành hàng không”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2022, thị trường hàng không quốc tế đã có sự khởi sắc khi số lượng khách bay tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, các hãng hàng không đã khai thác 30.000 chuyến bay đi/đến, trong đó có 12.000 chuyến bay quá cảnh, tăng 25% so với tháng 4/2021. Riêng các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 4/2022 đã vận chuyển 3,28 triệu khách, trong đó có 80.000 khách quốc tế và 3,2 triệu khách nội địa.
“So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách quốc tế sử dụng các hãng hàng không Việt Nam tăng mạnh, tới 214,7% trong khi hành khách nội địa giảm nhẹ 18,2%,” phía Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Lan Anh