0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 11/05/2022 08:30 (GMT+7)

Hàng không ghi dấu sự hồi phục đáng kinh ngạc

Thị trường hàng không đang sôi động và đang phục hồi mạnh mẽ. Chỉ trong tháng 4, khách quốc tế đạt trên 230 nghìn người, tăng ấn tượng 502% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách quốc tế tăng gấp 5 lần trong tháng 4

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tháng 4, các hãng hàng không khai thác 30 nghìn chuyến bay, giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 12 nghìn chuyến bay quá cảnh, tăng 25% so với tháng 4/2021.

Khách quốc tế đạt trên 230 nghìn người, tăng ấn tượng 502% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lượng khách nội địa đạt 6,4 triệu khách, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về vận chuyển hành khách, các cảng hàng không đón 6,6 triệu khách, giảm 14,3% so với cùng kỳ. Tính riêng các hãng hàng không Việt Nam, tháng 4/2022 vận chuyển 3,28 triệu khách, trong đó có 80 nghìn khách quốc tế và 3,2 triệu khách nội địa.

Hàng không ghi dấu sự hồi phục đáng kinh ngạc - Ảnh 1
Trong tháng 4, khách quốc tế đạt trên 230 nghìn người, tăng ấn tượng 502% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách quốc tế sử dụng các hãng hàng không Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 214,7% so với cùng kỳ, trong khi hành khách nội địa giảm nhẹ 18,2%.

Về vận chuyển hàng hóa tháng 4, lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 140,7 nghìn tấn, tăng 18,4%.

Trong đó, lượng hàng hóa quốc tế đạt 117,7 nghìn tấn, tăng 45,3% so với tháng 4/2021 và lượng hàng hóa nội địa đạt 23 nghìn tấn, giảm 39,1%.

Tính riêng các hãng hàng không Việt Nam, vận chuyển hàng hóa đạt 27 nghìn tấn, giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 15,5 nghìn tấn, tăng 64,3% và vận chuyển nội địa đạt 11,5 nghìn tấn, giảm 38,2%.

Như vậy, trong tháng 4, vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa qua các cảng hàng không Việt Nam vẫn còn sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ghi dấu sự hồi phục đáng kinh ngạc so với thời điểm phải đóng cửa "bầu trời".

Bên cạnh đó, vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế chứng kiến sự khởi sắc, tăng trưởng rõ rệt trong khi vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa có tốc độ sụt giảm đáng kể.

Hãng bay quốc tế ra nhập cuộc đua

Ông Nguyễn Phước Thắng, trưởng phòng khoa học công nghệ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường hàng không quốc tế sẽ hồi phục rất nhanh. Có thể từ nay đến cuối tháng 8, các hãng sẽ tập trung toàn lực đội máy bay để tăng chuyến cho các đường bay du lịch. Hành khách ở nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất đông hơn khi hàng loạt hãng bay đăng ký quay lại khai thác hoặc tăng tần suất bay thường lệ từ tháng 4 như Qatar Airways, Emirates, Asiana Airlines...

Bà Vũ Thị Thanh Hương - trưởng đại diện Qatar Airways tại Việt Nam và Campuchia cho hay, hãng tăng tần suất khai thác từ 3 lên 5 chuyến/tuần cho đường bay TP.HCM - Doha từ ngày 12/4. Hãng bay lớn thứ 2 của Hàn Quốc là Asiana Airlines cũng tăng từ 5 chuyến lên 7 chuyến/tuần kết nối với 2 điểm bay TP.HCM, Phú Quốc.

Đại diện Hãng Emirates khẳng định sẽ tăng cường khai thác các chuyến bay thương mại đến và đi từ Việt Nam, phục vụ hành khách trong những kỳ nghỉ hay các chuyến công tác quốc tế hoặc vô tư tận hưởng hành trình trở về nhà.

"Emirates đã khởi động lại các hoạt động một cách an toàn tới hơn 120 điểm đến trong mạng lưới đường bay toàn cầu của hãng, thông qua Dubai" - đại diện hãng nói và cho biết Emirates nối lại các chuyến bay thương mại, du khách đến châu Âu cũng như các điểm đến khác hãy quay trở lại TP.HCM và Hà Nội, khách sẽ không còn phải xin giấy phép nhập cảnh đặc biệt của Chính phủ và hoàn toàn có thể tự cách ly tại nhà nếu đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã được điều trị khỏi Covid-19.

Đại diện Công ty Cổ phần Phục vụ dịch vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đã nhận được nhiều hợp đồng mới của các hãng bay quốc tế tăng tần suất hoặc khôi phục các đường bay trong thời gian tới. Các hãng tạm ngưng do dịch nay quay trở lại khai thác như Thai Airasia, Jetstar Airways.

Đánh giá về cơ hội kinh doanh trong năm nay, ban lãnh đạo công ty này đặt kỳ vọng vào tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thị trường hàng không nội địa dần hồi phục, các nước cùng chỉnh chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng hơn. Song vẫn có những thách thức lớn mà SAGS phải đối mặt đó là giá xăng dầu tăng, thị trường trọng điểm Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "zero Covid".

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI TP.HCM, cũng cho rằng giá nhiên liệu biến động là một trong những thách thức lớn đối với ngành hàng không bởi nhiên liệu lần lượt chiếm 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet trong giai đoạn 2015 - 2019. Tháng 1/2022, giá nhiên liệu máy bay trung bình đã tăng lên mức khoảng 101 USD mỗi thùng, cao hơn đáng kể so với mức 77,8 USD mà Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dự báo hồi tháng 10/2021. Giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ tác động lớn tới giá vé trong năm 2022.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Hàng không ghi dấu sự hồi phục đáng kinh ngạc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới