Phú Yên: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025
Phú Yên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt bình quân từ 3,5-4,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 7%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 20%...
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 35%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt khoảng 55%; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt khoảng 80%; thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Phú Yên cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 (ảnh minh họa) |
Nhiệm vụ đến năm 2025, cơ cấu theo 02 nhóm sản phẩm gồm: đẩy mạnh phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, từng bước tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Trên cơ sở danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã ban hành, các địa phương căn cứ vào lợi thế, điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường đưa ra định hướng sản xuất phù hợp; đối với sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn tăng cường liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đồng thời, có chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; có chính sách, giải pháp để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm để tham gia vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.
Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh việc vận động các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ưu tiên lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng mang tính đặc trưng của nông thôn Phú Yên.
Có chính sách hỗ trợ xây dựng mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề và làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình OCOP. Từng bước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm