Phòng chống hạn mặn và quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả ở ĐB sông Cửu Long
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả đồng bằng sông Cửu Long năm 2020-2021.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước, có diện tích trên 410.000 ha, chiếm 39%. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng cây ăn quả chủ lực này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, chỉ tính riêng trong mùa khô 2019 - 2020, toàn vùng có 6 tỉnh với tổng diện tích cây ăn quả bị thiệt hại do hạn, mặn lên đến trên 25.000 ha. Trong số đó, có gần 11.200 ha bị thiệt hại trắng.
Triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2020 - 2021 |
Theo tính toán của các nhà khoa học, với kịch bản lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, tháng 3/2021, hạn, mặn có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái.
Theo Tổng Cục Thủy lợi thì tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mê Kông từ đầu mùa mưa, tính từ ngày 01/6/2020 đến cuối tháng 8/2020 bình quân mới đạt gần 731 mm, so với cùng thời kỳ năm 2019 thấp gần 22%, so với trung bình nhiều năm thấp hơn 24%.
Đồng thời, theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông các tháng còn lại của năm 2020 khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Với dự báo này thì nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn. Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực thì vẫn có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%.
Với nhận định về mưa, dòng chảy trên lưu vực như trên, năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ. Trên cơ sở đó, theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra hai kịch bản:
Kịch bản 1, mưa trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng. Phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55- 65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021. Với kịch bản này có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000 ha diện tích cây ăn trái.
Bộ NN&PTNT dự kiến xâm nhập mặn mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn năm 2020-2021 có thể xảy ra hai kịch bản |
Kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mê Kông tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng. Phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60- 70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20- 25 km. Nếu kịch bản 2 xảy ra, có khả năng gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng đến.
Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương cần có bước chủ động chuẩn bị phòng chống hạn, mặn, bảo vệ vùng trồng cây ăn quả trong thời gian tới thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2019 - 2020.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu, Sở NN&PTNT các địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tăng cường rà soát các diện tích khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực, khảo sát hệ thống công trình thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ của từng nhà vườn và của cộng đồng và có giải pháp cho từng vùng sản xuất.
Đồng thời, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, phối hợp với các đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp có các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hạn chế, khắc phục ảnh hưởng của hạn, mặn đến sản xuất cây ăn trái, triển khai mô hình và mở rộng các mô hình đạt kết quả tốt, hiệu quả lâu dài.
Về vấn đề mã số vùng trồng, xuất xứ hàng hoá, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, EU là một thị trường tiềm năng, quan trọng. Nhưng ngược lại họ có một yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nên từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến phải rất nghiêm ngặt thì mới tận dụng được.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm