0915 15 67 76 [email protected]
Thứ tư, 03/11/2021 09:10 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hà Nội sẵn sàng các tình huống, không để bị động, bất ngờ

Làm việc với TP.Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 2/11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với đặc thù đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được kết quả chống dịch như ngày hôm nay là "rất tốt" nhưng cũng cần có tình huống phòng bị kỹ hơn.

Lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị

Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà tại cuộc họp cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11/10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc COVID-19 (F0), trong đó, 103 ca ngoài cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca tại khu phong toả, 21 ca nhập cảnh.

Đa số người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khoẻ tại nhà, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.

tm-img-alt
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Hà Nội hiện đang có 6 chùm lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó ổ dịch tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), xã Bạch Trữ (huyện Mê Linh) liên quan đến tụ tập đông người, phần lớn mang tính chất gia đình.

Ca bệnh đa phần đều đã được tiêm vaccine, hầu hết không có triệu chứng. Hiện Hà Nội có 48 điểm phong toả với khoảng 15.400 người.

Về việc đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn, Hà Nội có 332 xã, phường cấp độ 1; 245 xã, phường cấp độ 2; 2 xã, phường cấp độ 3; toàn thành phố ở cấp độ 2.

Người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 Tỷ lệ đạt 92,3% (chiếm 69,4% tổng dân số), mũi 2 đạt 55,4% (chiếm 41,6% dân số). Trong đó, tỷ lệ người trên 50 tuổi tiêm vaccine mũi 1 đạt 79%, mũi 2 đạt 45.9%.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết hiện còn khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi 2 bắt đầu từ ngày 15/11. Thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Nội đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ đáp ứng khoảng 22.100 người.

Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ, chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…

Bà Hà cho biết: “Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TP.HCM các tỉnh phía nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế”.

Tham khảo kinh nghiệm từ các tỉnh phía nam, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, nhất là trong trường hợp có số ca nhiễm lớn để làm cơ sở chuẩn bị vật tư, trang thiết bị… ứng phó kịp thời.

Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt, cập nhật phác đồ điều trị, có công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về, hướng dẫn cụ thể về tần suất và tỷ lệ thực hiện xét nghiệm sàng lọc nCoV với các nhóm đối tượng...

Xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua nhưng đến nay, Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên tới đây, thành phố vẫn phải cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hàng ngày cả nước vẫn ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm mới qua công tác xét nghiệm giám sát.

tm-img-alt
Toàn cảnh buổi làm việc sáng 2/11.

Hà Nội đã có kịch bản 40.000 ca nhiễm, nhưng thành phố vẫn cần tính kỹ hơn vì liên quan đến việc chuẩn bị trang thiết bị vật tư y tế. Nguyên lý chung sống an toàn với dịch đã được đưa ra từ trước, nhưng mỗi lúc một khác, trước lúc tiêm vaccine và sau khi tiêm khác. Có một số nguyên tắc trong phòng, chống dịch vẫn phải thực hiện là phát hiện, cách ly, khoanh vùng theo sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn, Phó Thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần tập dượt phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn. Đơn cử, Hà Nội vẫn phải ngăn chặn dịch lây sang nơi đang an toàn, giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, thực hiện cách ly nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, nhất là điều trị từ rất sớm.

Song song với kế hoạch ứng phó dịch bệnh đã chuẩn bị, Thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị”. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, thành quy trình, tập huấn đầy đủ cho y tế tuyến dưới.

Tương tự, các bệnh viện, cơ sở thu dung đã hoạt động rất tốt nhưng cần đưa ra phương án triển khai lập thêm các bệnh viện dã chiến, từ đó chuẩn bị về vật tư, trang thiết bị, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm…

“Chúng ta thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn. Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kỹ. Các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine theo kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi của Thành phố, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em trước hết ở những vùng bị dịch nặng và thành lập các đội tiêm vaccine chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu…

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xem xét kỹ kiến nghị của Thành phố, cũng như nhiều địa phương khác về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, trong đó cần tính đến đặc thù của những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, có những khu vực rất đông dân cư. Xem xét các phác đồ điều trị làm cơ sở để y tế địa phương chuẩn bị sẵn thiết bị, thuốc men, vật tư cần thiết.

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hà Nội sẵn sàng các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023