Phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản dự kiến tăng gấp hai lần
Mức thu phí bảo vệ môi trường với một số loại khoáng sản như sỏi, cuội, cát... có khả năng tăng gấp hai lần. Đồng thời trong thời gian tới, cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường cần phối hợp chặt chẽ để tránh gian lận, thất thu ngân sách.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ dự án Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Bộ Tài chính cho rằng mức phí bảo vệ môi trường cần phải được căn cứ dựa theo khối lượng chất thải ra môi trường cũng như mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra.
Thất thu thuế vì còn nhiều ”lỗ hổng”
Về vấn đề này, trước đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Nghị định này hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Đồng thời thông qua Nghị định để tăng cường quản lý khai thác khoáng sản và khuyến khích đầu tư công nghệ khai thác hiệu quả, tiết kiệm gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, theo những nhận định của Bộ Tài chính thì trong quá trình thực hiện Nghị định số 164 đã phát sinh một số vấn đề cần được đồng bộ và hoàn thiện với quy định của pháp luật hiện hành như một số quy định tại Nghị định số 164 chưa thực sự rõ ràng, nhiều địa phương phản ánh vướng mắc về người nộp phí, trường hợp không phải nộp phí, phương pháp tính phí, mức phí, kê khai nộp phí, quản lý tiền phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản chưa thực sự thống nhất.
Bởi vậy Nghị định mới này sẽ hướng tới mục tiêu khắc phục được những hạn chế hiện nay còn tồn đọng để từ đó có thể bảo đảm tính thống nhất, tạo thuận lợi trong việc thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Bộ Tài chính cho rằng, mức phí bảo vệ môi trường hiện cần phải phải căn cứ vào khối lượng chất thải ra cũng như mức độ ô nhiễm trong quá trình khai thác khoáng sản gây ra.
Đồng thời, đảm bảo việc khai thác khoáng sản được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên. Cùng với đó việc quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường phải đúng quy định, đảm bảo được tính hiệu quả và thiết thực.
Tăng mức phí và tránh gian lận
Với Nghị định số 164 quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá… với mức là từ 1.500-1.600 đồng/m3.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, mức phí này còn thấp, chưa khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế.
Chính vì thế, Bộ Tài chính đã có đề xuất trình lên Chính phủ nhằm tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Mức phí tối thiểu bằng mức phí tối đa hiện hành và mức phí tối đa bằng 200% mức phí hiện hành. Cụ thể, mức phí từ 2.000 -12.000 đồng/m3, tùy loại khoáng sản trong khi mức hiện hành là từ 1.000 – 6.000 đồng/m3.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất trong bản dự thảo việc sửa quy định thu phí đối với ngành khai thác đá làm mỹ nghệ “khối lớn”. Bởi hiện nay từ “khối lớn” chưa được quy định cụ thể nên gây vướng mắc trong việc xác định mức phí. Thay vào đó Bộ Tài chính quy định mốc 0,4 m3 để phân loại giá trị đá hoa trắng.
Ngoài ra, để khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sử dụng đất đá bốc xúc thải ra để cải tạo, phục hồi môi trường, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định miễn thu phí đối với những cá nhân tổ chức trên.
Cùng với đó, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó cũng được miễn thu phí.
Ghi nhận từ một số phản ánh từ các địa phương, số lượng khoáng sản hiện nay được khai thác cũng như lượng đất đá được bốc xúc có nguy cơ gian lận, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Trong trường hợp nhận thấy số lượng khai không phù hợp với thực tế hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc khai thác, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác. Từ đó tạo ra tính minh bạch thống nhất.