0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 15/11/2021 15:10 (GMT+7)

Sơn La: Cần xử lý nghiêm việc hạ cốt nền để khai thác khoáng sản

Lợi dụng việc hạ cốt nền, một số đối tượng ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã khai thác vận chuyển hàng nghìn m3 đất mang ra ngoài.

Lợi dụng việc hạ cốt nền, một số đối tượng ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã khai thác vận chuyển hàng nghìn m3 đất mang ra ngoài. Đáng nói chính quyền cơ sở không nắm được vụ việc.

Theo phản ánh của người dân bản Bó Hạc, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), thời gian gần đây trên địa bàn có hoạt động khai thác vận chuyển khoáng sản là đất số lượng lớn gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên thiên nhiên, các xe vận chuyển đất chạy qua khu vực trường học vào giờ tan tầm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho các em học sinh.

Theo ghi nhận của Nhóm Phóng viên vào sáng 9/11, phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở khi tại một vạt đồi núi tại bản Bó Hạc bị đào bới nham nhở trên diện tích hàng nghìn m2. Tại hiện trường có 1 máy xúc và nhiều xe ô tô 3,5 tấn hoạt động đào bới, san gạt và vận chuyển đất đi tiêu thụ.

Hiện trường khai thác khoáng sản trái phép tại Mai Sơn - Sơn La.

Hoạt động khai thác khoáng sản này khiến một vạt đồi bị bến dạng, các tầng ta luy cao đến 5-6 m tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Việc vận chuyển đất ra ngoài đường không được che chắn, không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh môi trường khiến một đoạn đường bị ô nhiễm, bụi bẩn và kết cấu đường có dấu hiệu bị hư hỏng.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin tại điểm khai thác đất có dấu hiệu vi phạm, Nhóm Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Cò Nòi. Thông tin nhanh với Nhóm Phóng viên, ông Cầm Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết, trên địa bàn bản Bó Hạc không có đơn vị nào được cấp phép khai thác mỏ, cũng không có hộ gia đình nào có đơn và được UBND xã Cò Nòi cho phép san gạt, thanh tẩy mặt bằng.

Sơn La: Cần xử lý nghiêm việc núp bóng hạ cốt nền để khai thác khoáng sản - Ảnh 1
Các xe vận chuyển khoáng sản không che chắn khiến đất rơi vãi gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT với các em học sinh.

Chiều cùng ngày, Nhóm Phóng viên đã thông tin vụ việc đến lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn. Ngay sau đó, lãnh đạo UBND huyện Mai Sơn đã cử tổ công tác gồm bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của huyện Mai Sơn trực tiếp xuống địa bàn bản Bó Hặc, xã Cò Nòi để kiểm tra.

Theo thông tin Nhóm Phóng viên ghi nhận được, khu vực bị đào bới hàng nghìn m2 là của hộ gia đình ông Lò Văn Huồm. Gia đình ông Huồm cho 1 người tên Dũng (bản Thống Nhất, xã Cò Nòi) khai thác đất mang đi rồi trả lại mặt bằng cho gia đình ông Huồm.

Theo biên bản kiểm tra của đoàn công tác (gồm công an huyện, phòng Tài nguyên Môi trường huyện, cán bộ xã Cò Nòi) với ông Phạm Văn Dũng (trú tại bản Thống Nhất, xã Cò Nòi huyện Mai Sơn), ông Dũng được ông Huồm nhờ đào xúc đất để ông Huồm lấy mặt bằng xây dựng chuồng trại và trồng rau. Ông Huồm sẽ trả tiền xăng dầu cho ông Dũng. Số đất ông Dũng đã đào, xới được vận chuyển đi đâu thì ông Dũng không nắm được, ông Dũng chỉ phụ trách việc đào xới, còn vận chuyển thì ông Dũng không biết. Ông Dũng không nắm được việc ông Huồm có giấy phép khai thác khoáng sản hay không.

Tối cùng ngày, tổ liên ngành đã tiến hành tạm giữ phương tiện là máy xúc nhãn hiệu Hitachi 350 của ông Phạm Văn Dũng đưa về bảo quản tại UBND xã Cò Nòi.

Sơn La: Cần xử lý nghiêm việc núp bóng hạ cốt nền để khai thác khoáng sản - Ảnh 2
Đoàn công tác của UBND huyện Mai Sơn đã có mặt tiến hành lập biên bản và xử lý vụ khai thác khoáng sản trái phép tại bản Bó Hạc xã Cò Nòi.

Trao đổi nhanh với Nhóm Phóng viên tại hiện trường vụ khai thác khoáng sản, bà Hoàng Thị Hồng- PCT UBND huyện Mai Sơn cho biết, trước hết việc để xảy ra hoạt động san gạt, khai thác khoáng sản trái phép là trách nhiệm của chính quyền địa phương không nắm bắt, giám sát địa bàn kịp thời.

“Quan điểm của UBND huyện Mai Sơn là xử lý nghiêm theo quy định hiện hành, trước mắt sẽ tiến hành lập biên bản hiện trường, lực lượng công an sẽ làm rõ việc khai thác đất và chở đất đi đâu?”, bà Hồng chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, hiện việc núp bóng hạ cốt nền để vận chuyển đất đá, khoáng sản đi tiêu thụ diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Chúng ta đã có hình thức xử phạt quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, ngày 24/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tuy nhiên chế tài dường như vẫn chưa đủ mạnh nên nhiều cá nhân và tổ chức vẫn vì cái lợi trước mắt đã có những hành vi vi phạm. Để giải quyết bài toán này, chính quyền địa phương mà ở đây là người đứng đầu cấp xã, huyện cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, ngăn chặn ngay từ đầu để hạn việc "núp bóng" san gạt để tận thu khoáng sản.

Để "đất tặc" không còn đất sống, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các Bộ ngành trong quản lý tài nguyên, khoáng sản ở cơ sở, nhất là trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, Đảng viên.

Bà An "hiến kế": Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Nếu làm mạnh tay, quyết liệt được như vậy, thì "đất tặc" sẽ không còn đất sống.

Theo các chuyên gia pháp lý, Luật Khoáng sản thể hiện rõ, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được phân cấp theo cấp tỉnh, huyện và xã. Theo đó, với cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền. Chính quyền cấp huyện cũng phải chịu trách nhiệm nếu để khoáng sản bị khai thác trái phép.

Sơn La khởi tố 2 đối tượng khai thác đất sét trái phép

Ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Thắng (SN 1975, trú tổ 4, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, Sơn La) và khởi tố bị can đối với Trần Văn Lợi (SN 1963, trú tổ 3, thị trấn Sông Mã) về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Cơ quan CSĐT xác định, từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021, Lợi đã cùng Thắng chỉ đạo, vận hành khai thác khoáng sản (đất sét) khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép để sản xuất và đã bán ra thị trường hơn 29 triệu viên gạch (tồn kho hơn 1 triệu viên gạch, khối lượng đất trong kho lưu chứa hơn 1.800 m3).

Tổng khối lượng khoáng sản (đất sét) đã khai thác trái phép hơn 40.600 m3 có giá trị hơn 2,1 tỉ đồng. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Sơn La: Cần xử lý nghiêm việc hạ cốt nền để khai thác khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới