0915 15 67 76 [email protected]
Thứ bảy, 11/12/2021 11:25 (GMT+7)

Phát triển hạ tầng, đồng bộ giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, với sự đầu tư của Nhà nước và địa phương, hệ thống giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, để hệ thống giao thông của vùng được thông suốt, rất cần thêm nguồn lực và giải pháp tầm nhìn rộng hơn.

tm-img-alt
Tình trạng kẹt xe diễn ra ở các tỉnh miền Tây.

Tình trạng kẹt xe, đường xuống cấp trầm trọng vẫn kéo dài

Vào mỗi dịp tết, tình trạng kẹt xe với dòng xe nối dài hàng chục ki-lô-mét vẫn là nỗi ám ảnh của người dân miền Tây Nam Bộ. Mặt đường nhỏ hẹp, nhiều "ổ gà", cộng thêm các nút thắt cổ chai từ các cầu nhỏ, công trình thi công dang dở, ì ạch khiến đường về các địa phương đã dài càng thêm dài.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Bá Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải (GTVT), Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, không chỉ có hệ thống giao thông dọc, gồm tuyến Quốc lộ 1, tuyến N2, tuyến Quốc lộ 60... tồn tại nhiều hạn chế mà hệ thống đường ngang trong vùng để kết nối vẫn chưa có lối ra.

Đơn cử Quốc lộ 54 dài 155km nối liền 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh, trong khi đoạn qua tỉnh Trà Vinh (khoảng 77km), Đồng Tháp (khoảng 31km) đã được nâng cấp, thì đoạn qua Vĩnh Long (hơn 50km) có mặt đường chỉ khoảng 6m, lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, nhất là các loại xe tải vận chuyển hàng hóa kết nối giao thương tạo thành nút thắt cổ chai.

Chưa kể đến hiện nay, toàn khu vực ĐBSCL chỉ có 45km đường cao tốc (Trung Lương-TP Hồ Chí Minh). Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã thông tuyến, nhưng vẫn còn đang hoàn thiện hạ tầng thiết yếu đi kèm nên hiện chưa cho xe lưu thông. Tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ mới khởi công đầu năm 2021. Nhìn tổng thể, kết cấu HTGT toàn vùng hiện nay chưa đồng bộ.

Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay diễn biến ngày càng khốc liệt, làm dòng chảy thay đổi, làm gia tăng các bãi cạn, bãi bồi cũng khiến người dân lo lắng.

Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, tuyến kênh Chợ Gạo dài khoảng 28km (gồm rạch Kỳ Hôn, Chợ Gạo và rạch Lá), trong vòng 5 năm trở lại đây phát triển đột biến về lưu lượng và tải trọng. Mỗi ngày có khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng từ 200-1.000DWT lưu thông, ngày cao điểm lên tới 1.800 lượt. Vì thế, tuyến đường thủy độc đạo nối các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Hoàn thiện, kết nối giao thông đồng bộ để phát triển kinh tế

Thực tế đã cho thấy, địa phương nào được đầu tư HTGT hoàn thiện, kết nối, sẽ tạo lực đẩy rất lớn trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Chính vì vây, muốn làm được điều này, thì Bộ GTVT cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng, kết nối liên hoàn các trục ngang, dọc để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “Các địa phương mong muốn Trung ương đầu tư kết cấu giao thông nên thực hiện hài hòa, đồng bộ. Cụ thể là đường ven biển bắt buộc phải có để giúp cho khai thác kinh tế biển của các địa phương ven biển ĐBSCL. Vùng cần có cảng biển nước sâu để xuất khẩu hàng hóa, không phải lên TP Hồ Chí Minh. Ngoài trục dọc cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL, cũng cần có trục cao tốc ngang, Châu Đốc (An Giang) để kết nối An Giang-Sóc Trăng-Cần Thơ, nhằm không chia cắt sự phát triển đối với các địa phương nằm trong nội địa. Các trục cao tốc ngang, dọc sẽ kết nối ĐBSCL, tạo lợi thế khai thác tiềm năng của vùng”.

Đề cập đến vốn đầu tư, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, tổng vốn đầu tư cho HTGT ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 65.000 tỷ đồng, nhưng vẫn được xem là hạn chế, dẫn đến nhiều dự án trọng điểm chưa hình thành, nhất là các trục kết nối với TP Hồ Chí Minh trong phát triển. Vì thế, Bộ GTVT cần tăng nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường cao tốc, phát triển vận tải thủy vốn là đặc trưng và thế mạnh của vùng.

Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông là yêu cầu cấp thiết lúc này. Khi mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối đồng bộ thì mới có thể phát triển kinh tế một cách bền vững và an toàn.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển hạ tầng, đồng bộ giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đầu tư năng lượng tái tạo cần được ưu tiên hàng đầu
Theo chuyên gia, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.