Phát triển cây cam ở vùng đồi núi Hà Tĩnh
Những năm gần đây, Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào phát triển cây có múi, đặc biệt là cây cam nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất đồi tại Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh…
Theo đó, nhiều địa phương đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại cây ăn quả có múi và xem đây là những sản phẩm chủ lực, mũi đột phá trong phát triển nông nghiệp. Đến nay, cây cam đã bước đầu cho thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế, thích ứng trên nhiều vùng đất cao cạn, đất đồi vườn. Cây cam được coi là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho các hộ dân vùng đồi núi của Hà Tĩnh.
Trong những năm qua, diện tích trồng cam tăng rất nhanh đặc biệt là cam Chanh, điển hình là tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà.Cam Chanh Hà Tĩnh được du nhập từ cam Xã Đoài nổi tiếng, sản phẩm nên cam Hà Tĩnh rất ngon, đặc trưng riêng mà cam các tỉnh khác không có, được thị trường trong và ngoại tỉnh rất ưa chuộng, hiệu quả sản xuất cao. Cam Bù cũng là cây đặc sản của Hà Tĩnh, chỉ trồng được chủ yếu ở huyện Hương Sơn và một số xã ở huyện Vũ Quang.
Tuy nhiên, đa số diện tích cam của nông dân canh tác năng suất, chất lượng còn thấp. Diện tích cam quá chu kỳ kinh doanh, già cỗi, không được chú trọng chăm sóc, cải tạo phục hồi ngày càng gia tăng nên năng suất thu hoạch chỉ đạt 7 - 8 tấn /ha/năm. Sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, việc mở rộng diện tích cam áp dụng quy trình thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn chậm. Do đó việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm và người sản xuất chưa được định hướng sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Trước thực trạng đó, để tạo bước chuyển biến trong sản xuất cam theo hướng phát triển bền vững nhất là sự bền vững trong chuỗi giá trị từ sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cam trên thị trường, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng mô hình “Thâm canh cam đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 8 ha cho 8 hộ trên địa bàn xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang và xã Hương Long, huyện Hương Khê.
Để đảm bảo việc sản xuất gắn với đầu ra sản phẩm cho người người dân, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức tọa đàm giữa doanh nghiệp với nông dân và xây dựng mối liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong bao tiêu sản phẩm cam cho các hộ tham gia mô hình và các hộ dân khác trong vùng có áp dụng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP...
Với cách thức triển khai đồng bộ từ việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đến truy xuất nguồn gốc và liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra, mô hình đã góp phần tích cực giải quyết được một trong những vấn đề quan trọng của sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cam nói riêng hiện nay là kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Thành công của mô hình có tác động mạnh mẽ đến các hộ nông dân sản xuất cam trên địa bàn thực hiện mô hình và các xã trồng cam lân cận. Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và chất lượng sản phẩm… nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và sản phẩm thân thiện môi trường phát triển theo hướng bền vững.