0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 27/09/2022 08:30 (GMT+7)

Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Phát triển các khu, cụm công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, địa phương này đang nỗ lực hoàn thiện ha tầng bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp trên.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tăng cường làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong CCN để đôn đốc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nước sạch, công trình xử lý nước thải… nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Hệ thống xử lý nước thải tập trung là yêu cầu bắt buộc trong quá trình vận hành sản xuất tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Internet)

Theo đó, trong số 14 CCN đang hoạt động, có 10 CCN đã lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch (tăng 3 CCN so với năm 2015); 2 CCN xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung; 4 CCN đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 4 CCN đã thành lập được đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở.

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cơ sở hạ tầng của một số CCN chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một số CCN hoạt động nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch hiện trạng, hồ sơ bảo vệ môi trường. Đối với các CCN không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các doanh nghiệp tự xây dựng hạ tầng kết nối dẫn đến không đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đối với các CCN đã được hỗ trợ xây dựng từ ngân sách nhà nước hiện đã lấp đầy nên gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả rà soát, đánh giá của Sở Công Thương, trong tổng số 14 CCN đang hoạt động, có 11 CCN chưa có doanh nghiệp tiếp nhận làm chủ đầu tư hạ tầng; 10 CCN chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 12 CCN hoạt động chưa có trạm xử lý nước thải tập trung; 4 CCN chưa xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 2
UBND tỉnh yêu cầu các KCN, CCN hoàn thiện hạ tầng các công trình bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, cây xanh... (Ảnh: Internet)

Tại nhiều CCN, những hạng mục công trình hạ tầng cơ bản, như: đường giao thông, rãnh thoát nước, kè mương, điện chiếu sáng, lát hè, trồng cây xanh... đã cơ bản được đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống rãnh thoát nước đã xuống cấp, gây ngập úng trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã tập trung vận động doanh nghiệp có năng lực đang hoạt động trong CCN thực hiện các dịch vụ hạ tầng như: vệ sinh môi trường, vận hành điện chiếu sáng, duy tu, sửa chữa vỉa hè... Cùng với đó, đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng trạm xử lý nước thải.

Địa phương này phấn đấu, đến năm 2025, bên cạnh việc mở rộng, thành lập mới các CCN, 100% CCN đang hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường để tăng sức hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường của các CCN; lập quy hoạch chi tiết đối với các CCN đang hoạt động nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, trình duyệt theo quy định.

Thời gian tới, với định hướng phát triển Hà Nam thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp, đi kèm đó sẽ là sự gia tăng áp lực về chất thải, nước thải, khí thải… tỉnh Hà Nam đang hướng tới triển khai dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch trong sản xuất công nghiệp. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trồng thêm nhiều cây xanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác chế biến khoáng sản.

Thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải, điều tra, đánh giá bổ sung các nguồn thải lớn và thống kê, tổng hợp các nguồn thải đã cấp phép hàng năm. Qua đó, giúp bổ sung thông tin, số liệu về hiện trạng, diễn biến, xu hướng của các nguồn gây ô nhiễm, phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp, chính sách về bảo vệ môi trường.

Đối với khu, cụm công nghiệp mới, đầu tư theo hướng hiện đại, sinh thái, chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN thân thiện với môi trường, mô hình KCN sinh thái.

Cùng với đó, triển khai xây dựng các công cụ quản lý môi trường mạnh mẽ như hệ thống thông tin quản lý môi trường, các công cụ dự báo ô nhiễm - cảnh báo sự cố, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tăng cường áp dụng sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, thực hiện kiểm soát ô nhiễm... trong các cơ sở công nghiệp.

Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với tổng diện tích trên 2.500ha, trong đó 7 KCN đã đi vào hoạt động. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hiện 7/8 KCN đang triển khai hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý 22.450m3/ngày đêm, đạt tỷ lệ 100%.

Đối với các cụm công nghiệp (CCN), toàn tỉnh hiện có 19 CCN với tổng diện tích gần 628 ha. Trong đó, có 14 CCN đã đi vào hoạt động. Với các CCN được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đã được đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục, như: đường giao thông, hệ thống thoát nước, kè mương, điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh. Tất cả các CCN trên địa bàn tỉnh đã có tỷ lệ lấp đầy đạt cao, từ 85-100%.

Mỹ Như

Bạn đang đọc bài viết Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới