Phát huy vai trò liên kết kinh doanh của hợp tác xã
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác xã, làm theo tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác xã. Ảnh minh họa. |
Theo số liệu thống kê, hiện nay, Việt Nam có trên 17.000 hợp tác xã nông nghiệp với 3,78 triệu thành viên; đóng góp 4% GDP của cả nước. Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của xã viên.
Phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và trật tự an ninh. Đặc biệt, trong cách mạng công nghiệp 4.0, muốn sản xuất hàng hóa lớn tất yếu phải liên kết hợp tác, làm theo tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, phát huy được vai trò liên kết trong kinh doanh của hợp tác xã sẽ là hướng đi phát triển bền vững.
“Người nông dân chỉ sản xuất và tiêu thụ ra thị trường ngay là sản phẩm thô; nhưng khi liên kết sẽ có khâu chế biến tùy từng mức độ, nhu cầu của thị trường phân cấp cho các loại sản phẩm cuối cùng khác nhau. Theo đó, vai trò của liên kết kinh doanh và của hợp tác xã được thể hiện trong quá trình tăng giá trị gia tăng, cũng như chất lượng sản phẩm trong từng công đoạn liên kết. Điều này còn đảm bảo chia sẻ lợi ích về rủi ro giữa các bên khi có biến động xảy ra”, bà Luyến cho biết.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các mô hình hợp tác xã như được hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kỹ thuật công nghệ mới… Song hiện còn tồn tại hạn chế, bất cập trong việc ban hành triển khai, nhiều giải pháp hỗ trợ còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã.
Ông Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mong muốn, cần thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chính sách hỗ trợ cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật; khắc phục được những tồn tại, hạn chế và chương trình hỗ trợ, bố trí ngân sách, nguồn lực ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu thiết thực vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với mục tiêu quốc gia.
“Việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ về kinh tế tập thể, hợp tác xã cần sát, phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo đồng bộ có tính khả thi, trên cơ sở đó, bản chất phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể”, ông Điển nêu quan điểm.
Theo Chất lượng Việt Nam Online