Phấn đấu đến 2025, cả nước có hơn 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao.
Dự thảo quyết định cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Cả nước có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,7 triệu thành viên tổ hợp tác, 35.000 HTX với 7,1 triệu thành viên; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 35% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Theo dự thảo, định hướng phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp như sau: Phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực trồng trọt (lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, trái cây, mía đường...), chăn nuôi (bò sữa, đại gia súc, lợn, gia cầm các loại), lâm nghiệp, thủy sản (nuôi trồng, khai thác), diêm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương...
Dự thảo đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao (ảnh minh họa) |
Hình thành các HTX quy mô lớn, cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào (cây giống, vật nuôi, thuốc bảo vệ…), tín dụng- ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải và các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên: Cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho thành viên có đủ vật tư thiết yếu, đúng thời gian, giá rẻ, chất lượng; xây dựng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để sơ, chế biến, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản.
Định hướng phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ là: Chú trọng phát triển các mô hình HTX gắn với các chương trình khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương; xây dựng các HTX dịch vụ công nghiệp ở các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, tại các cụm công nghiệp nông thôn, tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển các làng nghề mới, giúp đỡ các HTX hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới công nghệ và sản phẩm, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất.
Dự thảo cũng đề xuất các giải pháp thực hiện gồm: Nghiên cứu, rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX (về giao đất, cho thuê đất, tập trung đất đai, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ…) cho phù hợp với xu thế phát triển hợp tác xã quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ về công tác tại các hợp tác xã, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn khó khăn. Có chế độ ưu đãi và quy định cụ thể để giữ lại được những cán bộ hợp tác xã giỏi, có năng lực quản lý và tâm huyết đối với hợp tác xã. Tiếp tục hỗ trợ cho các hợp tác xã có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ hợp tác xã. Bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm