0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 22/07/2020 09:32 (GMT+7)

Cả nước có 192 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 15/7/2020, cả nước có 192 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đến ngày 15/7/2020. Dựa trên danh sách này, cả nước có 192 doanh nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 41 doanh nghiệp, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh có 34 doanh nghiệp, Long An 25 doanh nghiệp, An Giang 20 doanh nghiệp, Đồng Tháp 17 doanh nghiệp, Hà Nội 7 doanh nghiệp, Kiên Giang 6 doanh nghiệp, Nghệ An 6 doanh nghiệp.

sf

Cả nước có 192 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo


Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Hậu Giang, Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Trị.

Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, với tác động của dịch Covid-19, nhất là giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ vào thời điểm đầu tháng 2, xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhóm hàng nông, lâm thủy sản 6 tháng ước đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, riêng gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 3,54 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD, tăng 5,6% về lượng và 19,3% về giá trị (cùng kỳ giảm 18,1% về trị giá).

Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp thương mại gạo nước ta đang có cơ hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu. Bộ NN&PTNT dự báo, mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo trong năm 2020 có thể sẽ vượt đích.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước chuyển tích cực, các phân khúc gạo phẩm cấp thấp giảm rất nhanh. Hiện số lượng gạo cao cấp và gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu chiếm trên 60%, phân khúc gạo trung bình và phẩm cấp thấp chỉ còn chiếm khoảng 12%. Đây là một tỷ lệ “đảo chiều” theo hướng tích cực so với cách đây 10 năm (khi tỷ lệ xuất khẩu gạo cao cấp, gạo thơm chiếm chưa đến 10%).

sf

EVFTA có hiệu lực từ 1/8 tới cũng sẽ là một cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam


Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 tới cũng sẽ là một cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Mới đây Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã công bố và nêu rõ phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt Nam, theo thỏa thuận của Hiệp định EVFTA.

Với gạo, EC đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hàng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Để đảm bảo việc tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng gạo trên thị trường, EC đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo đối với từng giai đoạn trong năm như sau:

- Gạo chưa xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 10.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 5.000 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 5.000 tấn

- Gạo xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn

- Gạo thơm từ ngày 1/1 tới 31/3 là 15.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 7.500 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 7.500 tấn.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Cả nước có 192 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới