'Omicron' - siêu biến thể nguy hiểm mới của virus SARS-CoV-2
Đến thời điểm này, WHO đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi, Bỉ, Botswana, Israel và Hồng Kông (Trung Quốc). Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine vì số lượng lớn đột biến của nó.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với siêu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời đặt tên cho biến thể này là Omicron.
WHO khẳng định biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn và nguy cơ tái nhiễm cũng cao hơn các biến chủng khác.
Kể từ khi được công bố ở Nam Phi hôm 24/11/2021, biến chủng này đã gia tăng chóng mặt và xuất hiện ở hầu hết các địa phương của đất nước này. Ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận là từ mẫu bệnh phẩm được thu thập vào hôm 9/11.
Đến thời điểm này, WHO đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ở Nam Phi, Bỉ, Botswana, Israel và Hồng Kông (Trung Quốc).
Một mối quan tâm lớn là biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin vì số lượng lớn đột biến của nó.
Hầu hết các loại vắc xin đều giúp cơ thể tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein đột biến của virus, loại protein này bám vào các tế bào của con người. Nhưng nhiều đột biến của Omicron nằm trong các vùng protein đột biến mà các thể nhận ra, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin.
Theo WHO, sẽ phải mất nhiều tuần để các nhà khoa học hiểu đầy đủ về các đột biến của biến chủng Omicron và xem xét xem liệu các loại vắc xin cũng như phương pháp điều trị hiện tại có thể chống lại nó hay không. Omicron là biến chủng nguy hiểm thứ 5 của virus SARS-CoV-2 được WHO công bố.
Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick của Anh cho biết: "Biến chủng mới này của virus SARS-CoV-2 rất đáng lo ngại. Đây là phiên bản virus đột biến nguy hiểm nhất mà chúng tôi từng thấy".
Bên cạnh đó, các nhà dịch tễ học cũng đưa ra cảnh báo việc hạn chế di chuyển cần được áp dụng sớm để ngăn chặn Omicron trên toàn cầu.
Cũng liên quan đến biến chủng này, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết, biến chủng có một protein đột biến khác biệt đáng kể so với biến chủng trong virus SARS-CoV-2 gốc mà quy trình sản xuất vắc xin đang dựa trên, làm dấy lên mối lo ngại về việc phát triển các loại vắc xin hiện tại.
Mặc dù chưa có báo cáo đầy đủ về nguy cơ gây tử vong cũng như khả năng kháng vắc xin của Omicron, nhưng các nhà khoa học của WHO cảnh báo các quốc gia hãy tiến hành ngay các biện pháp chủ động đối phó với biến chủng này ngay từ bây giờ.
Lo ngại sự lây lan nhanh của biến chủng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ra tuyên bố Hoa Kỳ sẽ cấm nhập cảnh với người đến từ 8 quốc gia châu Phi, bao gồm: Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi kể từ thứ hai tuần sau.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra lời kêu gọi dừng tất cả hoạt động hàng không với các địa điểm đã phát hiện biến chủng mới Omicron.
Trong khi đó, ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Liên bang Nga thông báo, từ ngày 28/11 nước này sẽ hạn chế nhập cảnh đối với công dân từ 9 nước châu Phi và Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc).