0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Ô nhiễm ánh sáng và những hậu quả khó lường

Trong thực tế, người ta đã quen với ô nhiễm môi trường và biết rõ các ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con người.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution) là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt….

o nhiem anh sang va nhung hau qua khon luong
Tại Hà Nội, dân ‘kêu trời’ vì bị ‘ngộ độc ánh sáng’ từ dự án số 5 Lê Duẩn của Tập đoàn DOJI. Ảnh: Đức Giang

Có nhiều loại ánh sáng gây ô nhiễm như: Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác; Quầng sáng (skyglow) vùng sáng của bầu trời đêm trên khu vực có người ở; Tia sáng (light trespas) ánh sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết; Và cụm sáng, là các nhóm ánh sáng sáng không có ích.

Những tác hại khó lường do ô nhiễm ánh sáng

Lãng phí năng lượng, gây ra sự nóng lên toàn cầu

Việc chiếu sáng chiếm đến 1/4 năng lượng tiêu dùng của cả thế giới. Các nghiên các nghiên cứu cũng chỉ ra là thông thường có đến 50% đến 90% ánh sáng ở các toà nhà là không cần thiết. Trong khi hiện tại nhiều nước đang ra sức tìm các biện pháp để giảm thiểu sử dụng năng lượng sau khi ký Nghị định thư Kyoto, thì việc tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng ánh sáng là một biện pháp đem lại kết quả cao trong thời gian nhanh chóng.

o nhiem anh sang va nhung hau qua khon luong
Ô nhiễm ánh sáng là tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu. Ảnh minh họa.

Còn theo số liệu ước tính của Tổ chức Bảo vệ bầu trời đêm quốc tế, chỉ riêng đối với Mỹ đã có đến 38% năng lượng chiếu sáng ngoài trời lãng phí, dẫn đến hàng năm tiêu tốn 2 triệu thùng dầu (1 thùng = 150 lít), gây lãng phí 1,5 tỷ USD/năm và đặc biệt đóng góp lượng khí CO2 khoảng 300 triệu tấn/năm, một tác nhân gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.

Tác hại lên sức khỏe con người

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy ô nhiễm ánh sáng có nhiều tác hại sức khỏe con người bao gồm: đau đầu, mệt mỏi, stress, lo âu, trầm cảm.

Năm 2009, trong sách “Mù do ánh sáng” (Blinded by the light?), Giáo sư Steven Lockley, Đại học Y khoa Harvard, ở chương 4 viết về "Ý nghĩa của sức khỏe con người đối với ô nhiễm ánh sáng", cho rằng: "sự xâm nhập của ánh sáng, ngay cả ánh sáng mờ, có thể có những ảnh hưởng có thể đo được đối với sự gián đoạn giấc ngủ và sự ức chế melatonin. tuần hoàn mãn tính, ngủ và sự phá vỡ hóc môn có thể có những nguy cơ về sức khỏe lâu dài ".

o nhiem anh sang va nhung hau qua khon luong
Ánh sáng xanh từ máy tính, điện thoại thông minh rất nguy hiểm đối với thị lực của con người. Ảnh minh họa.

Cùng năm này, Viện Hàn lâm Khoa học New York đã tổ chức một hội thảo về Rối loạn nhịp ngày đêm và ung thư (Circadian disruption and cancer) và Ánh sáng đỏ ức chế melatonin ít nhất (Red light suppresses melatonin the least).

Tháng 6/2009, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ AMA đã xây dựng chính sách hỗ trợ kiểm soát ô nhiễm ánh sáng. AMA nhấn mạnh, ánh sáng chói (glare) là một nguy cơ sức khỏe cộng đồng, có thể gây lái xe không an toàn. Đặc biệt ở người cao tuổi, ánh sáng chói gây mất độ tương phản, che khuất ban đêm.

Ảnh hưởng tới việc quan sát thiên văn

Hầu hết người dân thành phố không thể thấy các ngôi sao trên bầu trời đêm, ngoại trừ mặt trăng và một số ngôi sao sáng. Các nhà thiên văn học nghiệp dư thì làm việc rất khó khăn. Ô nhiễm ánh sáng còn từng buộc một số đài quan sát thiên văn phải di chuyển địa điểm như Đài Thiên Văn Hoàng Gia, Greenwich và cản trở việc quan sát ở các địa điểm khác.

o nhiem anh sang va nhung hau qua khon luong
Hầu hết người dân thành phố không thể thấy các ngôi sao trên bầu trời đêm do ánh sáng quá lớn từ các tòa nhà. Ảnh minh họa.

Gây rối loạn các hệ sinh thái

Thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn thói quen sinh hoạt của các sinh vật. Các nghiên cứu cho thấy một số ví dụ cụ thể về hậu quả gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng như: ánh sáng đêm làm giảm khả năng nhìn đường của bướm đêm và các côn trùng hoạt động về đêm khác.

Các loài hoa nở về đêm, dựa vào các loài này để thụ phấn, cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư có thể bị mất phương hướng bởi ánh sáng của các toà nhà cao chọc trời. Hoặc là các loài ếch và kỳ nhông hoạt động về đêm cũng bị ảnh hưởng. Thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn tình và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm...

Làm gì để hạn chế ô nhiễm ánh sáng?

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, ô nhiễm ánh sáng có thể cải tạo, đảo ngược lại dễ dàng bằng những động thái cá nhân đơn giản: Chỉ sử dụng ánh sáng vào thời gian và không gian cần thiết; Không sử dụng ánh sáng quá mức; Hạn chế ánh sáng xanh (blue light); Bảo vệ, sử dụng đúng ánh sáng trời; Sử dụng màn che tránh ánh sáng bên trong lọt ra ngoài; Đo lường mức độ ô nhiễm ánh sáng để chuẩn hóa thiết bị, đồ dùng…

o nhiem anh sang va nhung hau qua khon luong
Ô nhiễm ánh sáng, nhiều quốc gia không còn ban đêm. Ảnh minh họa.

Giảm ô nhiễm ánh sáng bao gồm nhiều hình thức như giảm ánh sáng chiếm dụng bầu trời, giảm ánh sáng chói, giảm ánh sáng xâm nhập, và giảm ánh sáng lộn xộn. Phương pháp tốt nhất là phương pháp phải phù hợp với loại ô nhiễm nào.

Các biện pháp có thể áp dụng như: Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu; Tắt đèn khi không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ; Cải tiến dụng cụ chiếu sáng phù hợp, có thể tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết; Lắp đặt các loại đèn sao cho bước sóng ánh sáng ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng; Đánh giá lại các hệ thống chiếu sáng hiện có, thiết kế lại nếu cần.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm ánh sáng và những hậu quả khó lường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Tin mới