Rác thải nhựa đổ vào biển tăng gấp 3 lần trong 20 năm tới
Mới đây, các nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo rằng, rác thải nhựa có thể nhiều hơn cá trên các đại dương vào năm 2050.
Lượng rác thải nhựa khổng lồ được thải ra môi trường hàng ngày thực sự là mối đe doạ tới môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Những cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa liên tục được nâng lên mức cao hơn, dù các quốc gia đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề từ rác thải nhựa và tái chế.
Rác thải nhựa đã và đang dần tích tụ trong môi trường biển và đại dương từ những năm 1960, đến mức chúng ta có những núi nhựa khổng lồ trôi nổi trong đại dương và các chất thải nhựa khác đang trôi dạt trên những bãi biển sạch đẹp trên thế giới.
Chim biển nuốt phải rác nhựa sẽ bị tắc ruột, sút cân, thậm chí tử vong. |
Ước tính có khoảng 580.000 mảnh nhựa có kích thước khác nhau trên mỗi km2, với hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đi vào các đại dương mỗi năm.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học Anh và Australia đã rà soát lại tài liệu trong nhiều thập kỷ để theo dõi số lượng chim biển nuốt phải mảnh nhựa. Kết quả cho thấy, có chưa đầy 5% số lượng chim có mảnh rác nhựa trong dạ dày vào năm 1960. Hiện nay, con số này khoảng 90%. Nhóm nghiên cứu dự báo tỉ lệ này sẽ tăng lên 99% vào năm 2050.
Rác thải nhựa đang đe dọa sinh vật biển. |
"Nhựa nằm bên trong cơ thể chim biển xuất hiện ở khắp mọi nơi, và nó đang không ngừng gia tăng", BBC dẫn lời Wilcox, tác giả chính của nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu liên bang của Australia (CSIRO), cho hay.
Ở Đông Nam Á, một số động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng đã chết với một lượng lớn nhựa trong dạ dày. Vào 6/2018, một con cá voi đã được tìm thấy ở bãi biển Songkhla, miền Nam Thái Lan, bị nghẹn đến chết bởi 80 mẩu rác nhựa nặng 8 kg trong bụng.
Cũng trong cùng tháng đó, một con rùa xanh được tìm thấy đã chết ở Chanthaburi, Thái Lan, với những mảnh vụn nhựa từ ngư cụ, dây cao su và các mảnh vụn biển khác trong bụng. Vào năm 2016, một con cá voi Sei và một con cá voi Baleen đã được tìm thấy ở bãi biển ở bang Johor phía Nam Malaysia.
Nhựa có thể nhiễm các hóa chất độc hại vào đất xung quanh, sau đó có thể thấm vào nước ngầm hoặc các nguồn nước xung quanh khác và cả hệ sinh thái của thế giới. Điều này có thể gây hại nghiêm trọng cho các loài uống nước.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 800 loài vật trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi các mảnh vụn trên biển và 80% trong số đó là nhựa... Chất thải nhựa trôi nổi thường bị nhầm là thức ăn của động vật biển và một khi ăn vào, những con vật này sẽ chết dần vì đói vì dạ dày của chúng chứa đầy những mảnh vụn nhựa.
Cá, chim biển, rùa biển và động vật có vú biển có thể bị vướng vào hoặc ăn phải các mảnh vụn nhựa, gây ngạt thở và chết đói. Theo thống kê, có cả ngàn con rùa biển bỏ mạng mỗi năm sau khi mắc kẹt trong rác thải nhựa dưới đại dương.
Một con rùa biển mắc kẹt trong một chiếc lưới nhựa bị vứt bỏ dưới đáy biển. (Ảnh: National Geographic) |
Rác thải nhựa đang được coi là "tử thần" của các loài sinh vật biển. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi, đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá.
Một số loài đã tuyệt chủng do thảm họa thiên tai, một số loài chim biển đang có nguy cơ giảm về số lượng và chất lượng môi trường sống do rác thải nhựa trên biển. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau chung sức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống cho các loài sinh vật cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường