Nuôi heo rừng, cho ăn bã bia, cây chuối, lãi cả tỷ mỗi năm
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chàng thanh niên gốc Quảng quyết định từ bỏ phố thị sầm uất, xa hoa để về quê làm kinh tế nông nghiệp.
Năm 2017, anh Phan Như Cơ (thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) xuất ngũ và bắt đầu làm việc cho một công ty viễn thông tại thành phố Đà Nẵng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Công việc tốt, lại sống ở thành phố lớn, nhưng trong suy nghĩ anh Cơ luôn muốn quay trở về mảnh đất Phú Ninh (Quảng Nam) để lập nghiệp, làm giàu cho quê hương.
Tốt nghiệp đại học, có công việc tốt tại thành phố nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chàng thanh niên gốc Quảng quyết định từ bỏ phố thị sầm uất, xa hoa để về quê làm kinh tế nông nghiệp. Lúc bấy giờ, anh Cơ chọn khởi nghiệp bằng con đường chăn nuôi heo rừng lai. Trong mấy năm gần đây, heo rừng là loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên, được thuần chủng và nuôi khá nhiều với ưu điểm là thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon hơn thịt theo công nghiệp.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, lâu nay phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi, nên ngay từ nhỏ anh Cơ đã có kinh nghiệm chăm sóc con gà, đàn heo. Thêm vào đó, anh cho biết heo rừng lai rất dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bị bệnh và thích ứng tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên với nền tảng kiến thức và kinh nghiệm khá vững trong việc chăn nuôi, anh không gặp khó khăn về kỹ thuật chăm sóc đàn heo rừng.
Từ chuồng trại sẵn có của gia đình, anh Cơ đầu tư xây dựng dãy chuồng theo mô hình khép kín. Chia thành các khu nuôi heo thịt, heo sinh sản, heo cắt sữa, heo chửa và duy trì từ 50 - 60 heo giống bố mẹ. “Heo rừng là loài nuôi bán thả rông để phù hợp với tập tính vốn có của chúng nên tôi không tốn nhiều chi phí đầu tư cho chuồng trại. Đặc biệt, heo rừng được vận động nhiều, ủi đất tìm thức ăn thì sẽ khỏe mạnh hơn và thịt săn chắc”, anh Cơ cho biết.
Tại trang trại với hơn 200 con heo rừng lai, anh Cơ vẫn luôn chú trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiêm đầy đủ vắc xin cho đàn heo ngay từ nhỏ, áp dụng biện pháp an toàn sinh học, sát khuẩn chuồng thường xuyên. Ngoài ra, các phế phẩm sinh học từ việc nuôi heo rừng cũng được anh Cơ tận dụng triệt để: Phân heo được anh tận dụng ủ làm phân vi sinh bón cho cây trồng trong vườn nhà và bán cho người dân, làm hầm biogas để có nguồn nhiên liệu sạch.
Ngoài ra, mô hình trang trại của anh Cơ cũng phát triển theo hướng tự cung tự cấp. Để có thức ăn sạch nuôi heo, anh Cơ chủ động tạo nguồn thức ăn xanh, thức ăn hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp bằng các loại cây trồng trong vườn nhà. Heo rừng lai ăn uống rất đa dạng, từ bã bia, đầu cá, đầu tôm, bánh dầu, các loại rau, cỏ trồng tại địa phương, chuối cây. Ngoài ra anh Cơ còn bổ sung thêm cám gạo, cám bắp để gia tăng chất lượng thịt và giúp đàn heo phát triển nhanh hơn.
Sau khoảng 7 tháng nuôi kể từ khi chào đời (không tính heo giống), heo rừng lai sẽ đạt trọng lượng khoảng 30kg và xuất bán với giá dao động từ 180.000-200.000 đồng/kg heo hơi. Thịt heo rừng lai đã sơ chế, đóng gói, hút chân không được bán với giá 300.000-350.000 đồng/kg. Bên cạnh việc xuất bán heo rừng đi khắp các tỉnh thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng…, anh Cơ còn cung ứng heo giống cho các xã viên và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Với mức lãi từ 500-700 triệu đồng/năm đã giúp anh đổi đời, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
“Tôi quyết tâm làm giàu từ heo rừng – đặc sản của quê hương. Hiện tại tôi đang đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội. Đồng thời phát triển đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: Chà bông, thịt heo sấy, thịt heo muối, thịt heo ngâm mắm… cũng nghiên cứu để quảng bá thương hiệu của mình", chàng nông dân 9X chia sẻ.
Minh Anh (t/h)