Nóng: Ngân hàng nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá ngoại tệ từ ±3% lên ±5%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 17/10/2022.
Quyết định trên của NHNN được đưa ra trong bối cảnh từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT), tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Do đó, để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt CSTT, tăng lãi suất của Fedvà các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giágiao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các TCTD được phép.
Theo đó, biên độ tỷ giágiao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệcan thiệp để để ổn định thị trường.
Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ổn định
Tiền gửi của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương qua từng tháng; tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 tăng 12,13% (số liệu thực tế). Các hoạt động dịch vụ tăng trưởng và phát triển tốt gắn với hoạt động mở rộng và thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, số lượng máy POS và số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ tăng mạnh, với 114.335 máy POS, tăng 13,8% so với cuối năm 2021. Trong khi đó số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ đạt 76.717 điểm, tăng 18,77%. Kết quả tích cực này phản ánh xu hướng sử dụng thẻ để thanh toán của người dân thành phố ngày càng mở rộng.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện tốt gắn liền với việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, của ngân hàng trung ương và của UBND Thành phố như: chương trình cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên; cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCN-KCX ; cho vay kích cầu đầu tư và gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ…
Trong đó, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ theo chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đạt 344.206 tỷ đồng cho 28.303 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 6,5%/năm và cho vay trung dài hạn khoảng 9,5%/năm (số đăng ký của các tổ chức tín dụng năm 2022 là 434.280 tỷ đồng).
Kết quả quan trọng này, cùng với chủ trương chính sách, giải pháp và hành động của của ngành Ngân hàng, với mục tiêu củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, làm nền tảng cho tăng trưởng và phát triển bền vững cũng như động lực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng cho thấy niềm tin của người dân, của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư nói chung và cơ chế chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói riêng.
An Như