Nỗ lực nâng tầm thanh long Vĩnh Phúc
Nhiều vùng đồi núi trơ cằn, thậm chí bỏ hoang ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) hiện đã trở thành những vùng trồng thanh long thâm canh, có quy hoạch bài bản.
Từ năm 2005 - 2010, một số bà con nông dân xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã đưa cây thanh long về trồng thử. Tuy nhiên phải từ năm 2009 – 2010 trở đi, sau khi một số giống thanh long ruột đỏ được trồng thử nghiệm và cho kết quả tốt, cây thanh long mới thực sự được mở rộng, lan tỏa sang nhiều xã khác ở huyện Lập Thạch.
Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng đã triển khai một số dự án nghiên cứu, đánh giá, chọn ra bộ giống thanh long ruột đỏ phù hợp cho huyện Lập Thạch, nhất là giống TL4. Điều này cũng đã góp phần thúc đẩy cây thanh long ruột đỏ ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả trên vùng đất đồi nghèo kiệt của huyện Lập Thạch.
Nỗ lực nâng tầm thanh long Vĩnh Phúc |
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, giá trị của cây thanh long trên đại bàn huyện Lập Thạch, từ năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giai đoạn 2018-2020.
Cụ thể trong 2 năm 2019-2020, hỗ trợ đầu tư trồng mới 200 ha tại các xã Xuân Hòa (50 ha), Vân Trục (30 ha), Ngọc Mỹ (40 ha), Quang Sơn (50 ha), Hợp Lý (30 ha). Đồng thời, hỗ trợ cải tạo, áp dụng quy trình sản xuất Gap, tiến bộ KH-KT mới cho 100 ha thanh long đã trồng trước đây tại các xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ.
Từ năm 2019-2020, các hộ gia đình có vùng trồng tập trung từ quy mô 1ha trở lên, có nguồn nước tưới, có năng lực sản xuất thanh long sẽ được hỗ trợ một cách đồng bộ như: Hỗ trợ 1005 chi phí mua hom giống; 60% chi phí trụ xi măng; 40% phân bón hàng năm (trong 2 năm đầu); 70% chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho các diện tích trồng mới; 50% chi phí lưới bảo vệ vườn... cho các hộ trồng mới.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư nhiều hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng lưới điện phục vụ tưới thâm canh cho thanh long, hỗ trợ máy xới đất, làm cỏ vườn thanh long; tổ chức tập huấn, xây dựng các vùng trồng thanh long VietGap; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cơ sở sơ chế, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ; đầu tư trạm dự báo thời tiết tự động... tại các vùng trồng thanh long.
Đến thời điểm này, các diện tích trồng mới thanh long tập trung từ năm 2019 đã cho thu hoạch bói, một số diện tích khác đang được huyện Lập Thạch khẩn trương triển khai hoàn tất trong năm 2020.
Nhiều vùng đồi núi trơ cằn, thậm chí bỏ hoang ở huyện Lập Thạch hiện đã trở thành những vùng trồng thanh long thâm canh, có quy hoạch bài bản, áp dụng tưới nhỏ giọt, quy trình thâm canh theo VietGAP... Theo kỳ vọng, đây sẽ là cú hích mới cho quả thanh long ở huyện Lập Thạch trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiền dành nguồn lực trên 240 tỉ đồng để hỗ trợ tổng thể cho phát triển cây thanh long Lập Thạch thành sản xuất hàng hóa bền vững, theo chuỗi giá trị, từ công tác điều tra quy hoạch vùng trồng, vật tư, sơ chế đóng gói, chuyển giao tiến bộ KH-KT, quy trình sản xuất theo GAP, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm