Niềm tin của doanh nghiệp dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát, thể hiện ở mức tăng kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường. Song khó khăn vẫn còn rất nhiều ở chặng đường phía trước.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát, thể hiện ở mức tăng kỷ lục về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường.
Cụ thể, quý I/2022, cả nước có 60.178 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gấp 1,5 lần so trung bình quý I của giai đoạn 2017-2021 và tăng 36,7% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm 16,7% so cùng kỳ và giảm ở tất cả 17 ngành kinh doanh chính. Sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thể hiện tinh thần kinh doanh mãnh liệt của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện. Song khó khăn vẫn còn rất nhiều ở chặng đường phía trước.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (hơn 96%) nhưng lại có tình trạng bị phân biệt đối xử, không được chào đón như đối với doanh nghiệp lớn. Nhiều lần, ông đại diện Hiệp hội gửi văn bản đề nghị làm việc với các địa phương để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư nhưng không được phúc đáp. Liên hệ qua điện thoại để hẹn làm việc với một số bộ, ngành về các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì bị cáo bận, không tiếp, dù đang trong giờ hành chính.
Xu hướng là các địa phương nhỏ thường tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn các địa phương lớn chỉ nhiệt tình đón tiếp các doanh nghiệp quy mô lớn. "Gần đây tôi dẫn đoàn doanh nghiệp vào làm việc tại tỉnh Gia Lai. Tuy không hề quen biết trước nhưng vẫn được lãnh đạo tỉnh bố trí buổi họp với đoàn để trực tiếp trả lời những vấn đề trong thẩm quyền.
Doanh nghiệp rất phấn khởi không chỉ vì mở ra các cơ hội hợp tác, đầu tư trong tương lai mà cơ bản là chúng tôi cảm thấy được tôn trọng. Thực tế này cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ nằm ở các giải pháp giảm giấy tờ, thủ tục mà còn phải tập trung vào vấn đề nhân sự. Nếu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và những người trong bộ máy công quyền năng động, gần gũi và có trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp thì ở đó mới thật sự có cải cách", ông Nguyễn Văn Thân chia sẻ.
Hơn nữa, hiện nay hiều doanh nghiệp đang khởi động lại sau hai năm tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô do tác động của đại dịch Covid-19, tài sản đã hư hỏng xuống cấp, lao động "rơi rụng" nhiều, nếu được tiếp cận vốn vay, nhất là vốn rẻ được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là liều thuốc bổ để nhanh phục hồi. Ngân hàng nhà nước cần kiểm soát chặt nguồn cung tiền, đặc biệt là bảo đảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.
Thanh Tùng