0915 15 67 76 [email protected]
Thứ hai, 27/12/2021 10:05 (GMT+7)

Những dấu ấn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2021

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19, song tính đến quý IV GRDP của TP Hà Nội tăng 6,69%, trong cả năm 2021 là 2,92%; thu hút được hơn 201.000 DN đứng thứ hai toàn quốc, đóng góp 18,5% vào tổng thu ngân sách nhà nước,...

Duy trì tăng trưởng trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch

Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 của TP đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý IV tăng 6,69% và GRDP cả năm 2021 là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,6%; khai khoáng tăng 3,5%.

tm-img-alt
Duy trì tăng trưởng kinh tế trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Mười Một ước tính đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng trước vàn tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh covid-19 trong quý III.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao và các cấp, các ngành của TP sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao (theo cập nhật mới nhất của các ngành đến thời điểm hiện tại, đến tháng 12 dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 101,5% so với dự toán HĐND TP giao và tăng 13.193 tỷ đồng so với số đã báo cáo HĐND TP).

Đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh: “Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề để thành phố triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong năm 2021 và các năm tiếp theo”.

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố đã  tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết những điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững.

tm-img-alt
Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Trong năm 2021, TP Hà Nội đã thu hút được hơn 201.000 DN thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố, đứng thứ hai toàn quốc, chiếm 23,7% tổng số các DN đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Thành phố Hà Nội đồng hành, chia sẻ trước những khó khăn của DN, với phương châm “sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền thành phố đã nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Năm 2021, lượt doanh nghiệp, người nộp thuế được thụ hưởng là 212.838 lượt, với số tiền thuế là 25.661,6 tỷ đồng (bao gồm 21.994,6 tỷ tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP; dự kiến 809 tỷ tiền thuê đất giảm theo Quyết định 27/2021/QĐ-TTg và 2.858 tỷ dự kiến giảm theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15).

Hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người dân

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến cuối tháng 12 các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của trung ương và đặc thù của thành phố đã đến với hơn 5 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Thủ đô bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng kinh phí đã hỗ trợ cho các đối tượng trên là hơn 5.756 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là hơn 5.354 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là hơn 402 tỷ đồng. 

Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, các sở, ngành chức năng và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ cho trên 1,91 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn với kinh phí gần 1.265 tỷ đồng. Nổi bật là chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) đã có hơn 380.000 người thụ hưởng với kinh phí gần 572 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Gói hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến với hơn 1,55 triệu người lao động. Kinh phí đã hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 3.785 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố đã hỗ trợ hơn 1,535 triệu lượt người dân, hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gồm cả một số người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội.

Nhằm góp phần hỗ trợ an sinh xã hội về lâu dài, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã tạo điều kiện cho 10.388 lao động vay vốn ưu đãi với số tiền 500 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022 giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế

Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2020, bức tranh kinh tế của Thủ đô đã có nhiều điểm sáng trong năm 2021. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 GRDP từ 7 đến 7,5%, GRDP/người khoảng 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5% xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

tm-img-alt
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 GRDP từ 7 đến 7,5%.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND TP đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa, xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).

Để cụ thể hóa các mục tiêu đó, UBND TP sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp.

Trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của TP, triển khai đồng bộ, thông suốt hệ thống văn phòng điện tử từ cấp TP đến các cấp cơ sở gắn với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

Bạn đang đọc bài viết Những dấu ấn phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học, thu phí khai thác sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực trong tháng 3/2024.

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023
GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.