0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ năm, 19/11/2020 09:25 (GMT+7)

Những bất cập trong xử lý vi phạm bản quyền hội họa

Vấn đề vi phạm bản quyền hội họa vẫn luôn là vấn đề nhức nhối cần được quan tâm. Tuy nhiên việc xử lý những vi phạm này còn nhiều bất cập.

Thời gian gần đây, hiện tượng tranh giả hay sao chép tranh ở nước ta đang diễn ra vô cùng phổ biến. Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng thừa nhận, việc vi phạm bản quyền hay tranh giả ở Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp, gần như không thể kiếm soát nổi. Cách thức chép hay làm giả những bức tranh cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Trước tình trạng hỗn loạn của việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm mỹ thuật Việt, một số họa sỹ đã phải tự tìm cách bảo vệ mình, một số họa sỹ đánh dấu ký hiệu riêng, có người cấp cho người mua giấy chứng nhận về tên bức tranh, kích cỡ, chất liệu… để người mua yên tâm.

vi pham ban quyen hoi hoa

Những bất cập trong xử lý vi phạm bản quyền hội họa 

Tuy nhiên, nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật lo ngại, nếu cơ quan chức năng không sớm tìm biện pháp quản lý, và nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tranh vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan, không kiểm soát được như hiện nay, không chỉ giá trị của các họa sỹ Việt Nam bị giảm, thị trường tranh Việt bị ảnh hưởng, bởi người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của tranh Việt do độ giả quá lớn… mà nó còn làm giảm sức sáng tạo của các thế hệ họa sỹ trẻ đương đại Việt Nam. Bởi không mấy ai không nản lòng thoái chí, khi thấy những tác phẩm nghệ thuật - đứa con tinh thần do mình vất vả sáng tạo ra, ngang nhiên bị sao chép với chất lượng kém, rồi được bày bán tràn lan mà không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt. Còn bản thân các họa sỹ, người nhà họa sỹ thì nếu có biết cũng chỉ có thể “kêu trời” như hiện nay.

Về lý thuyết, hành vi tự ý sao chép tranh không xin phép tác giả là vi phạm bản quyền và hoàn toàn có thể xử lý theo pháp luật. Chế tài cũng đã được quy định rất rõ trong Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam.

- Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng, đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Trường hợp giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm; cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.Tuy nhiên để áp dụng luật vào thực tế lại là chuyện khác.

Vướng mắc đầu tiên lại xuất phát từ chính các họa sĩ tác giả khi nhiều người còn ngại ngùng hoặc chưa ý thức đúng việc phải chủ động bảo vệ sản phẩm của mình.

Trong hội nhóm "Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa" do họa sĩ Bùi Trọng Dư sáng lập ra, hàng tháng thậm chí là hàng tuần đều xuất hiện những bài đăng về các vụ việc tranh giả, tranh sao chép. Không thiếu những lời kêu cứu của các họa sĩ đã có sự hồi đáp từ bên vi phạm, nhưng vẫn còn đó sự bất lực, buông xuôi.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết: "Có thể là vài tuần hoặc hàng tuần một vụ. Nếu một nghệ sĩ chỉ ăn với đi kiện thôi thì gần như chẳng làm việc được gì cả. Nó như tình trạng bắt cóc bỏ đĩa, cứ làm xong rồi lại xin lỗi như thế hết sức mệt mỏi".

Một thực tế cho thấy, chính các họa sĩ đã chủ quan khi nghĩ rằng tác phẩm của mình vốn đã được bảo hộ ngay từ khi sinh ra.

"Theo như mình được biết, Công ước Berne cho rằng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả ngay từ khi có ý tưởng và trong quá trình ra đời chứ không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức hay đơn vị nào. Trong giới rất nhiều họa sĩ lười đi đăng ký bản quyền. Một năm có thể vẽ hàng trăm tác phẩm, nếu như tác phẩm nào cũng phải đưa lên Cục đăng ký bản quyền cũng rất phiền hà và mất thì giờ" - họa sĩ Bùi Trọng Dư nói.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Những bất cập trong xử lý vi phạm bản quyền hội họa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới