Nhập khẩu giống gia cầm tăng gần 38 lần so với cùng kỳ
Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu trên 2,1 triệu con giống gia cầm, tăng 37,5% so với cùng kỳ với giá trị nhập khẩu trên 11 triệu USD.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, với số lượng nhập khẩu giống gia cầm trên 2,1 triệu con, trị giá trên 11 triệu USD, so với cùng kỳ, nhập khẩu giống gia cầm năm 2020 của Việt Nam tăng 37,5% so với cùng kỳ về số lượng và tăng 42,9% về giá trị.
Giá nhập khẩu bình quân giống gia cầm 1 ngày tuổi đạt 5,2 USD/con, tăng 0,2 USD/con so với năm 2019. Xét về cơ cấu giống, có 15 giống gia cầm nhập khẩu, phổ biến nhất là các giống gà chuyên thịt, như: Ross (chiếm 45,9%), Indian River Meat (13,4%), Hubbard (12,2), Sasso (9,2), Cobb (chiếm 8,1%).
Nhập khẩu giống gia cầm 6 tháng đầu năm đạt 11 triệu USD |
Lượng giống gia cầm nhập khẩu của Việt Nam đến từ 6 thị trường chính (tăng thêm 1 thị trường là Anh vơi với cùng kỳ năm 2019). Lượng và kim ngạch nhập khẩu gia cầm giống từ các thị trường New Zealand chiếm 99,1%, Mỹ 92,4%, Pháp 10,6%, trong khi Úc giảm 81%.
Pháp và Mỹ luôn là hai thị trường dẫn đầu cung cấp giống gia cầm giống chất lượng cao cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Gia cầm nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài (30,5%) và Tân Sơn Nhất (69,5%).
Với giống gia cầm, tại Việt Nam, ngoài một số đơn vị như Viện Chăn nuôi, Dabaco có cơ sở nuôi giữ gà giống gốc ông bà, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gia cầm của Việt Nam hiện chỉ “ăn xổi” nhập giống bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm.
Do đó, khi chuỗi logictic toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid - 19, nguy cơ thiếu hụt con giống chất lượng cho ngành gia cầm Việt Nam trong 3 - 6 tháng tới là rất lớn bởi thời gian khai thác của gà bố mẹ rất ngắn, chỉ khoảng 8 - 12 tháng.
Hơn nữa, việc các nhà hàng, trường học, lễ hội buộc phải dừng hoạt động do Covid-19 đã khiến rất nhiều hộ sản xuất giống gia cầm trong nước từ đầu năm 2020 đến nay thua lỗ nặng nề phải phá bỏ đàn gà bố mẹ.
Áp lực phá đàn gà hậu bị để cắt lỗ cộng khó khăn trong nhập khẩu gà bố mẹ từ Trung Quốc và châu Âu vô hình chung tạo ra khoảng trống thiếu hụt rất lớn con giống phục vụ sản xuất chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới.
Qua việc chuỗi cung ứng giống chăn nuôi toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch Covid - 19, hiện nay chính là bài học cảnh tỉnh cho ngành giống của Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn, chủ động hơn nữa. Đặc biệt, cần phải làm chủ được toàn bộ hệ thống chuỗi của ngành giống từ cụ kỵ, ông bà tới bố mẹ mới có thể làm chủ được ngành chăn nuôi trong tương lai.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm