Nguồn vốn 'ế' quá dồi dào, cuối năm ngân hàng chạy đua giảm lãi suất
Dịp cuối năm, các ngân hàng đang thi nhau giảm lãi suất cho vay và huy động, hiện các ngân hàng thương mại đều giảm sâu hơn lãi suất cho vay.
Ngân hàng đua giảm lãi suất cho vay
Tính đến giữa tháng 11, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 7,26% so với cuối năm 2019, nhưng như vậy vẫn còn xa để đạt được kế hoạch 10%-12% khi cuối năm đã cận kề.
Với tình trạng dư thừa tiền, giá vốn lại đang rẻ nên hầu hết các ngân hàng đều đang muốn đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế. Theo đó, hiện các ngân hàng thương mại đều giảm sâu hơn lãi suất cho vay.
Chẳng hạn tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank đã công bố lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 5,9%/năm, tức tương đương với mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng.
BIDV cũng vừa mở rộng quy mô gói vay ngắn hạn từ 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng sản xuất kinh doanh. Theo đó, khách hàng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng (giảm 0,5%/năm đối với tất cả các kỳ hạn).
Đây là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn từ ngày 28/8 và 14/9.
Agribank cũng đã tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó cho vay ngắn hạn chỉ ở mức tối đa 4,5%/năm. Ngoài ra, từ đầu tháng 10/2020, Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn xuống tối thiểu 7,5%/năm.
Các ngân hàng thương mại khác cũng đang giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng như VIB, HDBank, VPBank, Sacombank… hiện cũng đã áp dụng cho vay kinh doanh và mua sắm cuối năm với mức lãi suất từ 5,99%-6,8%/năm.
Cụ thể, MBBank đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng. VPBank tuyên bố giảm lãi suất cho vay kinh doanh xuống chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng đến hết năm 2020 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình.
ABBank đưa mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình “Vay ưu đãi - lãi an tâm” và từ 7%/năm trong chương trình “Vay kinh doanh - phát tài nhanh” dành cho các hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, cuối năm, các ngân hàng tung nhiều gói cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 7-9%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi từ 9,4%-13%.
Chẳng hạn tại TPBank đưa gói vay mua ô tô ưu đãi với lãi suất từ 7,5%/năm và được hỗ trợ vay lên tới 75% giá trị xe. Tại VietinBank mức cho vay là 7,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng đầu. Vietcombank áp dụng mức lãi suất 8,4%/năm cho khách vay mua xe trong 12 tháng đầu tiên. SHB áp dụng lãi suất cho vay mua ô tô 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đầu.
Còn tại BIDV đưa ra lãi suất vay mua xe là 8%/năm. Techcombank cũng áp dụng mức lãi suất cho vay mua ô tô là 8,19%/năm. Lãi suất vay mua ô tô ở MBBank là 8,5%/năm. Agribank cho vay mua ô tô với lãi suất 7,9%/năm trong 24 tháng...
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank khẳng định tín dụng tăng chậm trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào đang khiến ngân hàng dư thừa một lượng vốn lớn. Trong khi đó, việc đầu tư cho vay trên thị trường 2 không hiệu quả do lãi suất thấp kỷ lục, ngân hàng nào cũng dư thừa tiền, không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua có gần 85.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng dù lãi suất có rẻ hơn, thủ tục cho vay cũng được giảm thiểu..., các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh kéo dài, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm sút khiến cho nhu cầu về vốn cũng ngưng trệ.
Tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm
Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho biết, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt hơn khi lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp. Vì vậy nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 12/2020.
Khối ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank ghi nhận lãi suất huy động giảm ở một số kỳ chủ chốt.
Vietinbank, BIDV và Agribank đều đồng loạt giảm 0,2 điểm% lãi suất tiền gửi tại tất cả các kỳ hạn gửi. Lãi suất huy động cao nhất cùng ở mức 5,6%/năm. Vietcombank có lãi suất cao nhất là 5,8%/năm niêm yết cho tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.
Tại một số ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận liên tiếp hạ lãi suất huy động. Chẳng hạn MBBank giảm ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, ngân hàng đã bỏ lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 24 tháng đặc biệt áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 200 – 300 tỷ trên bảng niêm yết. Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm %, cao nhất chỉ còn 6,4%/năm.
Biểu lãi suất trong ngày đầu tiên của tháng 12/2020 tại một số ngân hàng như Sacombank, HDBank, VPBank, SHB… giữ nguyên so với cùng kỳ tháng trước.
Trong tháng 12/2020, Eximbank trở thành ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất, niêm yết ở mức 8,4%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Phương Đông với lãi suất tiền gửi cao nhất được niêm yết ở mức 8,2%/năm, giữ nguyên so với trước.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo