Người lao động có được hưởng lương khi bị tạm đình chỉ công việc?
Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho thời gian bị tạm đình chỉ còn nếu người lao động bị xử lý kỉ luật thì không phải trả lại.
Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động hiện hành:
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Như vậy, theo quy định trên, người sử dụng lao động chỉ được tạm đình chỉ công việc của người lao động tối đa 15 ngày, trường hợp đặc biệt thì tối đa 90 ngày.
Trong thời gian này, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị tạm đình chỉ. Mặt khác, sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, người sử dụng lao động có trách nhiệm nhận lao người lao động vào làm việc.
Nếu người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho thời gian bị tạm đình chỉ còn nếu người lao động bị xử lý kỉ luật thì không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
Điều 125 Bộ luật Lao động quy định, các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; Sa Thải.
Theo đó, tạm đình chỉ công việc không phải là hình thức kỷ luật lao động và cũng không phải là thủ tục bắt buộc đối với người sử dụng lao động khi xử lý kỷ luật lao động.
Tạm đình chỉ công việc là biện pháp pháp lý được quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động 2012, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động áp dụng khi vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ.
Sau khi bị tạm đình chỉ công việc của người lao động, nếu người sử dụng lao động chứng minh được lỗi của người lao động thì có thể tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo hành vi và mức độ vi phạm của người lao động đã được quy định trong nội quy lao động.
Trường hợp bị xử lý kỷ luật, người lao động không phải trả lại số tiền đã tạm ứng. Trường hợp không bị xử lý, người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo