Nghị định mới về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình; dự án; phi dự án; hỗ trợ ngân sách.
Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, tổ chức chính phủ được chính phủ nước ngoài ủy quyền (nhà tài trợ nước ngoài) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các phương thức cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Chương trình; dự án; phi dự án; hỗ trợ ngân sách.
Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Các trường hợp ưu tiên khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo từng thời kỳ.
Việc vay vốn ODA bảo đảm công khai, minh bạch.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA
Về nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô (trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định), vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành khi dự án hoàn thành; chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi trên cơ sở bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; thực hiện phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực của bộ, cơ quan trung ương, địa phương; bảo đảm sự phối hợp quản lý, giám sát và đánh giá của các cơ quan có liên quan theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình về chính sách, trình tự, thủ tục vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương, tình hình thực hiện và kết quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Công bố thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài trên Hệ thống Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn).
Phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5/2020.
Hỗ trợ phát triển chính thức trong tiếng Anh là Official Development Assistance, viết tắt là ODA. Hỗ trợ phát triển chính thức là việc các tổ chức quốc tế hoặc chính phủ một nước đầu tư cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nước đó.
Các hình thức hỗ trợ phát triển chính thức
Phân biệt theo tính chất sử dụng vốn, ODA bao gồm: ODA không hoàn lại và ODA cho vay ưu đãi.
- ODA không hoàn lại (còn gọi là viện trợ không hoàn lại) là vốn do các nhà tài trợ quốc tế đầu tư với ý nghĩa từ thiện, thực chất là quà tặng của một bên cho phía bên kia có gán với mục đích sử dụng của vốn, như: viện trợ xoá đói giảm nghèo, viện trợ cho người khuyết tật, viện trợ thực hiện cải thiện môi trường sống...
Hiện nay, dòng vốn viện trợ không hoàn lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các dòng vốn đầu tư quốc tế và có xu hướng giảm dần khi đời sống xã hội ngày một nâng cao.
- ODA ưu đãi là vốn do các chủ đầu tư quốc tế cho chính phủ một nước vay với điều kiện ưu đãi (lượng vốn lớn, lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn sử dụng dài, có thể có thời gian ân hạn), vì vậy thực chất là loại tín dụng ưu đãi.
Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất thị trường được gọi là yếu tố viện trợ. Yếu tố viện trợ của ODA càng lớn thì lãi suất cho vay càng nhỏ.
Đặc điểm
- Bản chất của dòng vốn này chứa đựng yếu tố trợ giúp mang tính quốc tế, nên còn gọi là dòng vốn tài trợ quốc tế.
- ODA có yếu tố viện trợ do đó khối lượng vay vốn thường lớn, thời hạn vay dài, lãi suất vay thấp.
- Đây là dòng vốn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ chính trị, xã hội giữa hai bên.
- Có sự giám sát của bên đầu tư trong quá trình vốn được sử dụng ở bên nhận đầu tư.
- Khả năng đáp ứng vốn của dòng vốn này rất chậm, thường có sự chênh lệch lớn giữa lượng vốn cam kết với vốn được giải ngân trong thực tế.
- Việc di chuyển vốn thường kèm theo các điểu kiện ràng buộc đối với bên vay vốn, như điều kiện về cải thiện chính sách vĩ mô (với ODA đa phương); điểu kiện mua thiết bị tại nước chủ đầu tư, hay đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư... (với ODA song phương).
Bên đầu tư:
- Bên đầu tư gọi là nhà tài trợ quốc tế, có thể là các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức chính phủ như WB, ADB, IMF... (ODA đa phương); hoặc Chính phủ các nước như Nhật Bản, Pháp, Canada... (ODA song phương).
- Mục đích của các chủ đầu tư không thuần tuý là lợi ích kinh tế, chủ đầu tư còn có thể ràng buộc bên nhận đầu tư vào các chương trình, dự án có mục đích kinh tế lâu dài hoặc ràng buộc vào mục đích chính trị - xã hội.
Bên nhận đầu tư:
- Bên nhận đầu tư gọi là bên nhận tài trợ quốc tế, thường là nước đang phát triển.
- Nếu là ODA không hoàn lại, Chính phủ nước nhận tài trợ được sử dụng vốn mà không phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả, nhưng cần sử dụng đúng mục đích theo các chương trình, dự án được bên tài trợ phê duyệt và phải sử dụng có hiệu quả để tạo uy tín với nhà tài trợ.
- Nếu là ODA ưu đãi, Chính phủ sử dụng vốn vay và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong tương lai.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm