0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ hai, 06/03/2023 16:35 (GMT+7)

Nghị định 08 liệu có gỡ được "nút thắt" thị trường trái phiếu?

Nghị định 08/2023 của Chính phủ cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt.

Cho phép thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Theo đó, Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với trái chủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi theo phương án phát hành.

Tuy nhiên, việc đàm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật có liên quan và được trái chủ chấp thuận. Đồng thời, doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Nghị định 08 liệu có gỡ được "nút thắt" thị trường trái phiếu? - Ảnh 1
Chính phủ cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm và thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác ngoài tiền mặt.

Cũng trong Nghị định 08/2023, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định. Cụ thể, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Đối với trái chủ không chấp thuận, doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Kể cả khi trái chủ đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận việc thay đổi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán.

Bên cạnh các điểm mới này, Nghị định 08/2023 cũng ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022 đến hết ngày 31/12.

Nghị định 08/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, tức ngày 5/3. Các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022.

Nỗi lo của nhà đầu tư lại càng nặng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính cho rằng, Nghị định 08 đã đưa ra 3 trụ cột chính. Một là, tiêu chí nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp hoãn đến năm 2024. Điều này ở thời điểm này là phù hợp để tạo thanh khoản cho thị trường nhưng cũng đồng nghĩa rủi ro sẽ tiếp tục lớn. Tuy nhiên, cũng không nên trông chờ quá nhiều vào tác động của quy định này vì trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, mời gọi nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu thì ai sẽ dám mua?

Trụ cột 2 là đàm phán để hoãn nợ, hoán đổi trái phiếu lấy tài sản. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế có thể chẳng đi tới đâu nếu tài sản là nhà, căn hộ chưa đủ căn cứ pháp lý; hoặc hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, cổ phiếu phát hành mới còn khó có người mua; mặt trái của quy định này là sau 2 năm có thể doanh nghiệp đã chẳng còn tài sản để thanh lý trả nợ.

Cuối cùng là trụ cột 3 quy định về xếp hạng tín nhiệm cũng được dời lại đến năm 2024. Trong bối cảnh hiện tại, xếp hạng tín nhiệm có thể coi là một giải pháp quan trọng để thị trường minh bạch, nhà đầu tư có một nơi để bấu víu thì Nghị định 08 lại tước đi công cụ này của nhà đầu tư.

Thực tế, chỉ có công ty xếp hạng tín nhiệm mới có khả năng cho nhà đầu tư biết doanh nghiệp này với số lượng trái phiếu phát hành đó có khả năng trả nợ hay không, nhà đầu tư cá nhân cần có công cụ như vậy. Vì vậy, ngay hôm nay, dù không được quy định, nhà đầu tư cá nhân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp phát hành cần có xếp hạng tín nhiệm trước khi đầu tư trái phiếu.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cơ quan quản lý mong muốn dùng Nghị định mới như một giải pháp cho thị trường vốn là đi lệch hướng. Giống như Nghị định 65 không những không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư mà còn đào sâu thêm, làm mất thêm niềm tin của thị trường. Vì vậy, Nghị định 08 không thể đưa ra cách giải quyết triệt để.

Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần nhất thời điểm hiện tại là 1 chương trình hoãn nợ quốc gia, cùng với đó, NHNN nên xây dựng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản, tương tự gói hỗ trợ lãi suất 2%, hoặc gói 110.000 tỷ đồng cho nhà thu nhập thấp.

"NHNN nên có một gói hỗ trợ khoảng 300.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản với 100.000 tỷ để giải quyết TPDN đáo hạn năm nay và 200.000 tỷ đồng để vực dậy doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này cần có tiêu chí rõ ràng, quy định thời gian hỗ trợ, điều kiện doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, không có nợ xấu...", TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, cho rằng những quy định mới từ Nghị định 08 đa phần tích cực, nhưng để khôi phục niềm tin trái phiếu cần thêm thời gian và các giải pháp tiếp theo.

Đối với việc chuyển đổi nợ trái phiếu bằng các tài sản khác, ông Thuân cho biết một số nhà phát hành đã phần nào thực hiện trong thực tế. Quy định này mang tính chất hợp thức hóa và làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu.

"Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán", ông nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nghị định 08 liệu có gỡ được "nút thắt" thị trường trái phiếu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới