0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ ba, 29/09/2020 06:31 (GMT+7)

Ngành gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng

Thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt Nam lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Ngày 25/9, tại Hội nghị giao ban ngành gỗ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Lâm sản Bình Định tổ chức tại tỉnh Bình Định, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng ngành gỗ Việt Nam đã tham gia vào các “tuyến đường cao tốc” mà mới đây nhất là "tuyến" EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu).

Lợi thế về thuế suất của các nước châu Âu đối với các sản phẩm ngành gỗ của Việt Nam từ EVFTA không lớn, nhưng lợi thế rất lớn là giảm thiểu rủi ro về thương mại trong thời gian tới. Trên "tuyến cao tốc" này, vấn đề của Việt Nam là "phương tiện vận chuyển và sản phẩm nào sẽ được vận chuyển."

Đại dịch Covid-19 và các diễn biến trong lĩnh vực thương mại trên thế giới đang đặt ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi để đón thời cơ khi chạy trên "các tuyến cao tốc."

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng đại dịch Covid-19 vừa qua giúp cho các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhìn nhận lại cách quản trị doanh nghiệp của mình và phải thay đổi để thúc đẩy phát triển.

Ví như Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh - HAWA đã phát triển thương mại điện tử và tiếp thị số. HAWA đã tổ chức các showroom trên nền tảng công nghệ số và Internet, với các gian hàng trực tuyến. Từ đó, khách hàng trên toàn thế giới có thể ngồi tại chỗ xem tất cả

Ngành gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng
Ngành gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng

các mặt hàng của nhà sản xuất và các giao dịch thương mại đều diễn ra trên hệ thống mạng.

"Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi mạnh mẽ vấn đề cung cấp nguyên liệu gỗ, tận dụng hết nguyên liệu như cành nhánh. Chẳng hạn việc phát triển ngành chế biến bột giấy sẽ mang lại giá trị lớn hơn nhiều so với dăm và viên nén hiện nay," Thứ trưởng Hà Công Tuấn khuyến cáo.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt khoảng 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt con số kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 18%.

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Việt Nam lần lượt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với kim ngạch từ trên 542 triệu USD (Hàn Quốc) đến hơn 4,19 tỷ USD (Hoa Kỳ). Các quốc gia và khu vực này đều đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam không những không bị sụt giảm kim ngạch mà còn có bước tăng trưởng đột phá nhờ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào thị trường chiến lược như Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ Việt Nam tăng từ 43% năm 2018 trên tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước lên 50% năm 2019 và 53% chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020.

"Sản phẩm chiến lược rõ ràng nhất là tủ bếp, tủ nhà tắm. Trong 9 tháng qua, các sản phẩm này đạt kim ngạch gần 1 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ. Quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này dự báo sẽ lên tới khoảng 7 tỷ USD. Bình Định sẽ là trung tâm sản xuất các mặt hàng này với kim ngạch dự kiến đạt trên 300 triệu USD trong năm 2022. Tính tổng giá trị ngành gỗ, sau năm 2022, Bình Định sẽ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD," ông Lập nhận định.

Trong thời gian tới, nếu nắm bắt được cơ hội và thay đổi chiến lược phát triển hợp lý, ngành gỗ Việt Nam sẽ chiếm lợi thế lớn trên thị trường thế giới.

Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm

Bạn đang đọc bài viết Ngành gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới