Ngân hàng VPBank tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, chạm mốc 10%/năm
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, ngân hàng VPBank đã tăng lãi suất đến 2 lần trong tháng 11/2022.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) vừa thông báo biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, theo đó áp dụng từ ngày 22/11.
Trong đó, khác với các biểu lãi suất cũ, lần này VPBank chỉ chia thang tiền gửi thành 2 bậc là dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên, với lãi suất chênh lệch nhau 0,1%/năm tại mỗi kỳ hạn.
Cụ thể, các kỳ hạn 1 - 3 tuần được hưởng mức lãi suất là 0,5%/năm, còn các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cùng được nhận lãi suất tối đa theo quy định là 6%/năm. Các mức lãi suất này giữ nguyên so với biểu trước đó và được áp dụng cho tất cả các khoản tiền gửi không phân biệt số tiền cũng như hình thức gửi.
Mức lãi suất tại kỳ hạn 6-11 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,3-0,5%/năm. Khi gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất tại kỳ hạn này tăng lên 8,7 – 8,8%/năm trong khi gửi tiết kiệm online lãi suất tăng lên mức 8,8 – 8,9%/năm.
Với các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng, VPBank huy động tiền gửi với lãi suất 9,1 – 9,3% theo hình thức gửi tiền tại quầy và 9,2 - 9,4% theo hình thức gửi tiền online.
Trong đó, mức lãi suất cao nhất 9,4% được ngân hàng áp dụng cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng.
Trước đó, VPBank đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới trên toàn hệ thống từ ngày 14/11. Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm theo hình thức online, kỳ hạn từ 18 tháng, không phân biệt số tiền gửi. Trong khi với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.
Như vậy chỉ trong chưa đầy 10 ngày, VPBank đã tăng lãi suất đến 2 lần.
Mới đây, GPBank cũng đã thông báo áp dụng mức lãi suất tiết kiệm lên đến 10%/năm. Ghi nhận tại phòng giao dịch, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng với sô tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên được áp dụng mức lãi suất là 9,95%/năm. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài và số tiền gửi lớn, ngân hàng tri ân khách hàng với mức lãi suất được áp dụng là 10%/năm.
Ngoài ra, trên biểu lãi suất tiết kiệm điện tử tại GPBank, ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,6%/năm tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Đây là mức lãi suất cao nhất được ngân hàng áp dụng khi gửi tiết kiệm điện tử.
Cũng tại tiết kiệm kênh online, mức lãi suất cao nhất của VPBank tại kênh tiết kiệm này là 9,4%/năm tại kỳ hạn từ 18 tháng khi gửi tiền từ 10 tỷ đồng trở lên. Tại quầy, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,3%/năm khi gửi từ 10 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn từ 18 tháng.
Trước đó, NCB cũng áp dụng mức lãi suất 10,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Nam A Bank cũng áp dụng mức lãi suất 11%/năm cho 3 tháng đầu tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên sau đó các ngân hàng này đều đã ngưng áp dụng các mức lãi suất này
Một ngân hàng khác là KienlongBank mới đây đã thông báo điều chỉnh lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,6%/năm. Cụ thể, mức lãi suất 9,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng khi gửi tiền tiết kiệm theo hình thức trực tuyến. Đây là mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng cũng tăng lãi suất lên mức 9,1%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng 0,6%/năm lên 9,5%/năm. Đối với các kỳ hạn dài, từ 24 - 36 tháng, lãi suất đươc niêm yết ở mức 9,2%/năm.
Cuộc đua lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng tiếp tục nóng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với cho vay.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.
Giới phân tích dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.
Hải Anh