Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ, chính phủ Mỹ nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng
Ngày 12/3, sau sự sụp đổ của ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB), chính phủ Mỹ buộc phải thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn lịch sử lặp lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngân hàng Silicon Valley là gì?
Ngân hàng Silicon Valley được thành lập vào năm 1983 tại Santa Clara (bang California, Mỹ), là nơi những công ty khởi nghiệp (start-up) “đặt cược” vào cuộc chơi trên thương trường. Hai nhà sáng lập, Bill Biggerstaff và Robert Medearis, muốn ra đời một tổ chức tài chính chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho các start-up công nghệ.
Mặc dù không được biết nhiều bên ngoài Thung lũng Silicon, nhưng SVB là 1 trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ. Tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của SVB là trên 200 tỉ USD (khoảng 4,7 triệu tỷ đồng).
Vì sao Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ?
Ngày 10/3 (giờ Mỹ), giới chức California đã đóng cửa SVB và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.
Đây là vụ sụp đổ lớn thứ 2 trong lịch sử ngành ngân hàng trong 15 năm nay, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Sự việc diễn ra chỉ trong vòng 48 giờ, sự sụp đổ của SVB là do đầu tư quá nhiều vào trái phiếu. Đồng thời, ngân hàng này đã quá liều khi tiêu tốn nhiều tiền và khoản đầu từ mạo hiểm bất chấp lỗ nặng.
Sự sụp đổ của SVB là một cú sốc lớn với thị trường tài chính thế giới. Đây là ngân hàng có lịch sử 40 năm hoạt động và cho vay cũng như nhận tiền gửi từ một loạt các công ty công nghệ khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm (VC) tại thung lũng Silicon.
Ảnh hưởng từ sự sụp đổ Ngân hàng Silicon
Valley Vụ việc Silicon Valley Bank là cú phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ năm 2008, khiến lòng tin của nhiều nhà đầu tư lunglay với lo ngại một cuộc khủng hoảng tương tự sau vụ Lehman Brothers.
Trước mắt, thông tin về sự sụp đổ của Silicon Valley Bank đã khiến cổ phiếu một loạt các ngân hàng hàng đầu thế giới như: JPMorgan Chase, Bank of America, HSBC, Standard Chartered, Barclays đều giảm giá trị.
Song, mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụp đổ này không lớn như vụ Lehman Brothers. Theo CNN, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics Jonas Goltermann cho rằng, lý do SVB gặp rắc rối là quá phụ thuộc vào một số lĩnh vực, vì đa số là chịu sức ép từ các start-up tại Thung lũng Silicon. Trong khi phần lớn các ngân hàng còn lại ở Mỹ đều “đa dạng hoá tốt”. Điều này đồng nghĩa sự rủi ro chỉ tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp trẻ mảng công nghệ, không có sự lan rộng trong nhiều lĩnh vực khác.
Chính phủ Mỹ tích cực can thiệp ngăn chặn khủng hoảng
Ngày 12/3, trước nguy cơ trở thành mối đe doạ cho nên kinh tế nước Mỹ, chính phủ quốc gia này phải can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn những thiệt hại lớn.
Bằng mọi nỗ lực để trấn an người dân, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang và FDIC đã tuyên bố bảo vệ khách hàng của SVB và họ có thể truy cập tiền của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan này cũng đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ khách hàng của ngân hàng và ngăn chặn các hoạt động rút tiền bổ sung.
Không chỉ có vậy, người nộp thuế sẽ không chịu bất kỳ chi phí nào liên quan đến các kế hoạch mới liên quan SVB. Tuy nhiên, các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo đảm và không nhận được sự bảo vệ tương tự.
Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý này cho biết các biện pháp sẽ “đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình là bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững”.
Hà My