Nâng cao chất lượng trái thanh long, thúc đẩy xuất khẩu thị trường nước ngoài
Việc tiêu thụ gặp khó khiến giá bán thanh long giảm sâu đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà vườn.
Thực tế này cũng đòi hỏi cấp thiết để Việt Nam hướng xuất khẩu thanh long vào các thị trường xuất khẩu mới có triển vọng, với phẩm cấp và giá thành cao hơn.
Thời gian qua, trái thanh long của Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… Năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Thế nhưng, từ đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu trái cây vào thị trường chính là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khiến kim ngạch giảm mạnh. Tiêu thụ gặp khó khiến giá bán thanh long giảm sâu đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các nhà vườn. Thực tế này cũng là đòi hỏi cấp thiết để Việt Nam hướng xuất khẩu thanh long vào các thị trường xuất khẩu mới có triển vọng, với phẩm cấp và giá thành cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như châu Á, châu Âu và Mỹ. Hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long gặp khó khăn.
Nhưng khi nhận định về triển vọng của trái thanh long, bà Thủy cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài không hề giảm. Thông qua hàng loạt sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm muốn phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.
Cụ thể như tại thị trường Australia, bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam cho biết, ngoài việc tiêu thụ tại các cửa hàng của người Việt, thanh long Việt đã được bày bán ở hệ thống siêu thị bán lẻ lớn của Australia. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia là sản phẩm phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận an toàn sinh học, phải xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi để đảm bảo không có côn trùng trong cả bao bì đóng gói...
Ngay từ đầu năm 2022, nhận thấy khả năng xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Trong đó, cần tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất thanh long an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu. Đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.
Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua thanh long tươi hiện đang tồn đọng, từ đó làm nguyên liệu chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu...
Thanh Tùng