Năm 2021 Kon Tum lên kế hoạch trồng 500 ha sâm Ngọc Linh
Tỉnh Kon Tum tập trung bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc quốc gia như sâm Ngọc Linh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông.
Mới đây tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Kon Tum đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2021 với một số chỉ tiêu trọng tâm: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 20.000 tỷ đồng trở lên; giá trị xuất khẩu đạt 162 triệu USD; trồng mới được 2.000 ha cây ăn quả, 500 ha sâm Ngọc Linh và 2.000 ha các cây dược liệu khác; trồng mới 3.000 ha rừng; phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2021 Kon Tum lên kế hoạch trồng 500 ha sâm Ngọc Linh |
Được biết, tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp. Trong rừng tự nhiên có nhiều loài cây dược liệu. Từ xưa đến nay, người dân thường khai thác dược liệu làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Ngoài các loài cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên, khí hậu, đất đai ở tỉnh còn thích nghi với nhiều loài cây dược liệu có nguồn gốc ở nơi khác có thể đưa vào trồng.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế tỉnh, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, trong đó có 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường. Bằng các chủ trương, chính sách phát triển dược liệu, tính đến nay, người dân và các doanh nghiệp phát triển khoảng trên 1.000ha dược liệu, trong đó nhiều nhất là sâm Ngọc Linh 397,4ha, ý dĩ 392ha, nghệ vàng 64,9ha...
Trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh tập trung bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc quốc gia như sâm Ngọc Linh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông; khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn; đầu tư phát triển nâng diện tích lên 2.000ha ở vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu có lợi thế so sánh của tỉnh gồm: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm