0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Chủ nhật, 20/12/2020 11:01 (GMT+7)

Năm 2020 - Năm của thiên tai bất thường

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long,…

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, nhìn vào diễn biến trong năm 2020 cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán.

Mưa đá bất thường xảy ra ở Lai Châu hồi đầu năm.

Ngay trong ngày đầu năm mới, chúng ta đã chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng. Nét rõ ràng nhất của biến đổi thời tiết là từ đầu tháng 5, hoa sữa đã nở rộ cùng với bằng lăng, phượng vĩ trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Sau đó xuất hiện nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, mưa lớn cục bộ, lũ lụt cũng sâu, diện rộng và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.

Từ ngày 1 đến 20/10, khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió đông, dải hội tụ nhiệt đới với các vùng thấp phát triển lên thành áp thấp nhiệt đới và bão, cho nên đã xuất hiện mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao hơn 3 đến 5 lần so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử như: Khe Sanh 2.451 mm (TBNN là 329 mm), Huế 2.370 mm (TBNN là 494 mm)...

Do mưa lớn, trên các sông từ Hà Tĩnh đến bắc Bình Định và Kon Tum đã xuất hiện liên tiếp hai đợt lũ. Trong đó một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu (Quảng Trị) tại Đông Hà là 4,69 m (ngày 8-10), vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 18-10, đỉnh lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà là 5,36 m, vượt qua mực nước lịch sử vừa được thiết lập; đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) là 5,24 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 m; đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 7,4 m, đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m.

Nhìn lại năm qua, có thể cảm nhận được sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, sự khốc liệt, cực đoan, bất thường của thời tiết ngày càng không theo quy luật.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu m3. Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỉ đồng.

Miền Trung trải qua đợt mưa lũ lịch sử. 

Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Theo các chuyên gia, bước sang năm 2021, theo dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Trong những tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mùa khô 2020 - 2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ sớm và gay gắt hơn so TBNN.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nguyên nhân khách quan của tình trạng bão lũ, ngập úng, sạt lở đất cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây là do tác động của biến đổi khí hậu, bão, mưa lũ ngày càng cực đoan, bất thường, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” thời gian kéo dài liên tục.


Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Năm 2020 - Năm của thiên tai bất thường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Mrs Grand Vietnam 2024 chính thức khởi động
Công ty TNHH Truyền thông Phan Oanh Media và BTC cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam vừa chính thức công bố khởi động mùa 2 cuộc thi Mrs Grand Vietnam 2024- Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2024.

Tin mới