Mở rộng diện tích trồng măng đặc sản tại Lào Cai
Những năm gần đây, diện tích trồng măng tại huyện Văn Bàn, Lào Cai ngày càng nâng cao, thành phẩm thu về đem lại cuộc sống tương đối ổn định cho người dân.
Từ lâu nguồn thu nhập chính của người dân Văn Bàn (Lào Cai) là từ sản xuất nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên rừng. Trong đó, ngoài các loại cây lâm sản ngoài gỗ như thảo quả, sa nhân, hạt dé…, thì phải kể đến nguồn măng – một loại thực phẩm sạch, sẵn có, dễ sử dụng, được nhiều người ưa dùng.
Các loại măng của Văn Bàn rất phong phú, mùa nào măng ấy: Mùa măng Vầu kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (tính theo Âm lịch), gối tiếp mùa măng Vầu là mùa măng Sặt - bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 5, hết mùa măng Sặt là đến mùa măng Mai, măng Tre, măng Nứa...kéo dài đến hết tháng 9.
Măng Văn Bàn được nhiều người ưa thíc
Những năm gần đây, diện tích trồng măng tại huyện Văn Bàn, Lào Cai ngày càng nâng cao, thành phẩm thu về đem lại cuộc sống tương đối ổn định cho người dân. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác là lợi thế để Văn Bàn trồng măng đặc sản.
Theo lãnh đạo huyện Văn Bàn, hiện Văn Bàn có gần 4 nghìn ha cây vầu, 6 trăm ha cây sặt và cây bói (măng bói); 40 ha cây mai, nứa. Mỗi năm, người dân khai thác và cung cấp ra thị trường gần 1 nghìn tấn măng sặt, măng bói và khoảng 1,5 nghìn tấn măng vầu. Thu nhập mỗi năm từ khai thác măng vầu, măng bói và măng sặt khoảng 35 tỷ đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết, Huyện ủy Văn Bàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển nông - lâm nghiệp trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Trong nghị quyết này, một trong những nội dung mà Văn Bàn đề nghị là tỉnh cho phép mở rộng diện tích thành vùng hàng hóa và xây dựng thương hiệu măng đặc sản. Mục tiêu Văn Bàn đặt ra đến năm 2025 có 1 nghìn ha cây sặt và cây bói, sản lượng khoảng 3 nghìn tấn măng (giá trị thu nhập đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha); khoanh nuôi bảo vệ 4 nghìn ha cây vầu, sản lượng khai thác có kiểm soát hơn 5 nghìn tấn.
Măng sặt đặc sản Văn Bàn
Thực tế thời gian gần đây, với chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, hệ thống khuyến nông cơ sở đã tham mưu cho UBND các xã chỉ đạo nhân dân ở các thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, gắn quyền và lợi ích của nhân dân với rừng, liên kết giữa các nhóm hộ trong việc thu hoạch tiêu thụ măng, từ đó đã khắc phục được tình trạng hôm khai thác quá nhiều không tiêu thụ được phải bỏ đi hoặc hôm khai thác quá ít không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Hiện nay, ở Văn Bàn đã hình thành vùng măng Vầu hàng hóa tại các xã như, xã Thẩm Dương Quỳ, xã Nậm Xây.
Đối với vùng măng Sặt ở các xã Hòa Mạc, Dần Thàng, Thẩm Dương, các hộ đã liên kết với nhau và mời cán bộ khuyến nông đến tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, tự xây dựng lịch thu hái, liên kết với các tư thương thống nhất giá cả, hợp đồng thu mua, nhờ vậy mà chất lượng, giá măng được nâng lên.
Theo Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm