0981 389 194 ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com
Thứ tư, 27/10/2021 09:39 (GMT+7)

Mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp cần được định hình xây dựng

Một số chuyên gia cho rằng, cần triển khai xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Việt Nam để phát triển bền vững.

Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng và Công ty CP Shinec vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong Khu công nghiệp Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền)”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên gia có uy tín như: TSKH Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); PGS.TS Trần Đình Thiên - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Giám đốc Trung tâm Tri thức Kinh tế tuần hoàn; PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch CLB Các nhà Công Thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội; GS. Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp Phạm Văn Thức…

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp - Ảnh 1
Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo thống kê, cả nước hiện có 369 KCN, tổng diện tích gần 114 nghìn ha, đóng góp lớn vào thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2019, các KCN, KKT nộp ngân sách nhà nước hơn 400 nghìn tỉ đồng.

Thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp đang đặt ra 2 vấn đề về rác thải, gồm rác thải là tài nguyên và rác thải là thảm họa ô nhiễm, cho thấy sự cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý về rác thải, trong đó có rác thải công nghiệp, biến rác thải thành nguồn tài nguyên. Tỉ lệ thu gom rác thải công nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 31%, do xử lý, quản lý rác kém hiệu quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều thống nhất nhận định, giải bài toán về rác thải từ các KCN trong thời gian tới, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững mỗi khu công nghiệp.

Dưới góc độ nghiên cứu, chỉ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được đối với các khu công nghiệp mới thành lập, do tính đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch xây dựng và có đủ công năng chuyển đổi sang hoạt động công nghiệp sinh thái.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đánh giá: “Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu thực tiễn tại KCN Nam Cầu Kiền cho thấy, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam là hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ thành công.

Ngay từ khi thành lập, KCN Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đi theo lộ trình thực hiện từng nội dung của kinh tế tuần hoàn. Với bối cảnh hiện nay, tại KCN Nam Cầu Kiền có thể xây dựng mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn để nhân rộng ra cả nước”.

KCN Nam Cầu Kiền đã học hỏi mô hình Mạng lưới Ecotown của thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) để xây dựng KCN sinh thái của người Việt, hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Xuân Việt (VUSTA), Công ty cổ phần Shinec đã quy hoạch, liên kết các nhóm ngành nghề với nhau tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh. Phương thức vận dụng kinh tế tuần hoàn tại KCN Nam Cầu Kiền là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, từ đó tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững trên 3 trục: Kinh tế - Môi trường - Xã hội, hoạt động dựa trên nội hàm của kinh tế tuần hoàn, với nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”.

Trên nguyên tắc này, các sản phẩm tạo ra dễ dàng được tái sử dụng; Có sự đa dạng và quan hệ tương hỗ giữa các doanh nghiệp, nhà nước và người dân; Sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và tiến tới việc tạo ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu sinh học.

Ở chiều sâu của mô hình này, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, việc thu hồi và tái sử dụng tái chế chất thải với tỉ lệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và toàn bộ KCN, bao gồm chất thải rắn, nước thải, năng lượng. Ngoài ra, một số ngành kinh tế đang được KCN nghiên cứu chuyển đổi gồm khí sinh học, nhựa, thép, tái chế, ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng,…

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp - Ảnh 2
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) cho biết: KCN Nam Cầu Kiền được xây dựng cách đây 10 năm, đến nay đã tập trung nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau, sống “cộng sinh” trong KCN; Nhờ đó đã tạo ra các giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, đồng thời góp phần giải quyết bài toán rác thải của KCN. Hiện nay KCN không có rác thải ra, mà tất cả đã trở thành hàng hóa.

Cũng theo ông Phạm Hồng Điệp, hoạt động của KCN đã bám sát tiêu chí của Nghị định 82, nhằm giải bài toán về quy hoạch cây xanh, xã hội, lao động, cảnh quan. Trong giai đoạn từ năm 2018-2020, lãnh đạo KCN đã nghiên cứu các mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời hợp tác với 1 thành phố của Nhật Bản để hình thành tư duy và cách tiếp cận mô hình về KCN sinh thái. Đồng thời, tuân thủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong Nghị định 40 của Chính phủ về bảo vệ môi trường…. Nhờ đó, các vấn đề về an toàn lao động, an toàn PCCC, kiểm soát chất thải… đã được triển khai và kiểm soát bằng hệ thống online.

Đánh giá của nhóm thực hiện đề tài, trong nội tại KCN Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đang trong lộ trình thực hiện từng nội dung của kinh tế tuần hoàn. Và với bối cảnh hiện nay tại KCN Nam Cầu Kiền, hoàn toàn có thể xây dựng mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn để nhân rộng ra cả nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù đối với khu công nghiệp sinh thái do đây sẽ là mô hình khu công nghiệp của tương lai, hướng tới phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường. Theo đó, đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; Ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ưu đãi thuế xuất nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe & Môi trường vì cộng đồng, đề tài khoa học lần này gồm 4 chương: Chương I “Đánh giá tổng quan kinh tế tuần hoàn thế giới và Việt Nam”, Chương II ”Khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”, Chương III “Nghiên cứu và khảo sát thực tiễn mô hình điểm KCN sinh thái Nam Cầu Kiền trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn”, Chương IV “Xác định và đề xuất bộ tiêu chí mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”.

“Đề tài khoa học có 3 điểm mới: Thứ nhất, về phương pháp nghiên cứu là phương pháp duy vật biện chứng, tiếp thu kinh tế tuần hoàn thế giới, nhưng phải phù hợp với kinh tế Việt Nam, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thứ 2, phạm vi nghiên cứu cũng mới, đó là nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam, chứ không phải là nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn nói chung; Cụ thể là KCN Nam Cầu Kiền - KCN của Việt Nam, đã đạt 8 tiêu chí trong Nghị định 82 của Chính phủ về KCN sinh thái và đang phát triển tiếp 4 tiêu chí, cũng là KCN sinh thái đầu tiên cho Việt Nam thực hiện.

Và điểm mới cuối cùng, đó là mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chuẩn về kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam”, ông Nguyễn Thiệu Anh chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Mô hình kinh tế tuần hoàn ở các khu công nghiệp cần được định hình xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0981 389 194 Hoặc email: ts.dautuvakinhdoanh@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm Thang máy Quốc tế 2024
Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 14-16/11 với nhiều hoạt động hoạt động như: Lễ khai mạc; phiên bình chọn sản phẩm xuất sắc; thảo luận mở trong “Hội nghị kết nối sản phẩm và công nghệ thang máy”…
Doanh nghiệp rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh
Đại biểu Quốc hội cho biết, thực tiễn thì còn rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực cần chuyển từ nâu sang xanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu thì lại có rất ít thông tin và rất khó để tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Tin mới